Không khí Singapore ô nhiễm hơn Hà Nội vì cháy rừng ở Indonesia
Không khí Singapore ô nhiễm, bị đánh giá có hại cho sức khỏe. Ảnh: AFP.
Cơ quan chức năng đã cho phép khoảng 1/7 số học sinh Malaysia nghỉ học do tình trạng khói bụi ngày càng tồi tệ. Chưa kể, hàng chục chuyến bay trong khu vực Đông Nam Á bị hoãn hoặc hủy vì tầm nhìn xa quá kém ở các sân bay.
Nhiều khu rừng của nước láng giềng Indonesia đang bị người dân đốt một cách bất hợp pháp để lấy đất làm nông nghiệp. Khói và bụi từ các đám cháy này đã bay sang nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, làm không khí ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng tới di chuyển bằng đường hàng không.
Hàng nghìn người cũng đã phản ánh tình trạng bệnh đường hô hấp cấp tính. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh điều tra và trừng phạt nghiêm những cá nhân hoặc tổ chức phải chịu trách nhiệm về các điểm nóng cháy rừng trên đất nước này.
Tình hình hiện nay làm nhiều người lo ngại thảm kịch năm 2015 sẽ lặp lại. Khi đó, khoảng 2,6 triệu hecta đất của Indonesia đã bị "bà hỏa" thiêu rụi trong 4 tháng, làm nước này thiệt hại kinh tế 15,7 tỉ USD.
Kuala Lumpur, Singapore ô nhiễm không khí hơn Hà Nội
Các thành phố Kuala Lumpur và Kuching của Malaysia, Jakarta của Indonesia và Singapore đang chiếm những vị trí đầu tiên trong danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo số liệu của IQAir AirVisual.
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đứng thứ 5, ngay sau Singapore.
Top 10 thành phô ô nhiễm không khí nhất thế giới. Nguồn: airvisual.com.
Theo đánh giá của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), trong ngày hôm nay 18/9, chỉ số ô nhiễm không khí của quốc đảo này tăng lên mức ít nhất là 112. Theo thang đánh giá của Singapore, chỉ số trong khoảng 101-200 là có hại cho sức khỏe.
NEA đang khuyến cáo người dân không nên làm việc nặng nhọc thời gian dài ở ngoài trời, những người có bệnh phổi hoặc tim thì nên tuyệt đối tránh.
Các điểm nóng cháy rừng
Tổng số điểm nóng cháy rừng tại Indonesia trong ngày 18/9 là 2.719 điểm, giảm so với con số 2.984 vào hôm qua 17/9. Riêng đảo Sumatra đã có tới 1.425 đám cháy và đảo Kalimantan có 732.
Các đám cháy đã làm ảnh hưởng đến 328.724 hecta đất rừng và đất nông nghiệp của Indonesia trong năm nay.
Dự báo thời tiết mấy ngày tới
Cục dự báo thời tiết của Indonesia cho biết nhiều khả năng sẽ có mưa rào lớn tại Riau và Sumatra trong ba ngày tới. Thời tiết mưa ẩm được dự báo sẽ còn tiếp diễn tại khu vực phía Bắc Đông Nam Á, còn khu vực phía Nam vẫn sẽ khô hanh. Nhiều điểm nóng cháy rừng tại Sumatra và Kilimantan nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục.
Nhiều chuyến bay bị hủy
Tình trạng khói bụi mờ mịt khiến cho giao thông hàng không bị gián đoạn. Hàng chục chuyến bay từ các sân bay Samarinda, Sampit và Berau trên đảo Kalimantan của Indonesia bị hủy do tầm nhìn thấp.
Nhiều chuyến bay đến sân bay quốc tế Penang (bắc Kuala Lumpur) cũng bị hoãn hoặc hủy do khói bụi bao trùm sân bay lớn thứ ba Malaysia này.
Malaysia và Indonesia bất hòa
Các bộ trưởng môi trường của Malaysia và Indonesia đổ lỗi lẫn nhau về vấn đề khói bụi hiện nay, trong đó chính quyền Kuala Lumpur đưa ra đề xuất giúp dập cháy rừng. Lãnh đạo đảng cầm quyền của Malaysia ông Anwar Ibrahim – người được cho là Thủ tướng tiếp theo của nước này cho rằng các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tình trạng khói bụi.
Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Singapore thì cho biết nước này đã đề xuất hỗ trợ kĩ thuật Indonesia trong việc dập lửa và sẵn sàng triển khai nếu được yêu cầu.
Một đám cháy rừng tại Indonesia. Ảnh: AFP.
Trường học đóng cửa
Bloomberg dẫn nguồn từ của Bộ Giáo dục Malaysia cho biết gần 1.500 ngôi trường trên khắp nước này đã phải đóng cửa vì ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng tới hơn 1 triệu học sinh.
Bộ Giáo dục Singapore từng tuyên bố cơ quan này sẽ ra lệnh đóng cửa trường học khi chất lượng không khí chuyển sang ngưỡng "độc hại", tức là chỉ số ô nhiễm không khí trên 300.
Tính đến chiều 18/9, chỉ số này trong khoảng 112-128, theo công bố của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore.
Người mắc bệnh hô hấp tăng vọt
Indonesia đã mở các phòng khám tạm thời để chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn người bị các triệu chứng về hô hấp cấp tính tại khu vực ô nhiễm khói bụi nặng nhất.
Các cơ quan quản lí đã phân phát khẩu trang đến người dân Riau, Jambi, South Sumatra và Kalimantan. Hơn 9.000 người từ các lực lượng ứng phó thảm họa, quân đội, cảnh sát cùng với 42 máy bay trực thăng đã được huy động để dập lửa.