Khơi thông vốn tư nhân cho cơ sở hạ tầng
Một cơ chế đầu tư PPP tốt cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt. Ảnh: Lê Anh |
Hình thức đầu tư PPP chưa đủ hấp dẫn
Tại hội thảo về cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra hồi tuần trước, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng cao. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư công cho lĩnh vực này ngày càng giảm do vướng trần nợ công; nguồn vốn vay viện trợ giá rẻ của nước ngoài cũng hạn chế do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. “Do đó, chúng ta sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc mời gọi sự tham gia của khối tư nhân, cả trong và ngoài nước”, ông Thắng nói.
Kể từ năm 1997, Việt Nam đã có chủ trương kêu gọi vốn tư nhân thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) với nhiều chính sách kèm theo. Gần đây nhất là Nghị định 15 của Chính phủ và Nghị định 63 được ban hành năm 2018 nhằm sửa đổi và thay thế Nghị định 15. Song, sau hơn 20 năm thực hiện, số dự án PPP chỉ có khoảng 200 dự án với tổng mức đầu tư hơn 1 triệu tỉ đồng (tương đương 50 tỉ đô la Mỹ), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, kết cấu hạ tầng quy mô lớn. Đã vậy, theo ông Tony Foster, Trưởng nhóm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Việt Nam Business Forum 2018, hầu như không có dự án nào trong số đó nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính (viability gap funding) theo nghị định 15 mà nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn thực hiện. Trong khi đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nhà đầu tư có đổ vốn vào lĩnh vực này hay không.
Bên cạnh đó, điều 64, Nghị định 63 quy định dự án PPP được bảo đảm cân đối ngoại tệ. Theo đó, chủ đầu tư dự án được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Ngoài ra, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ và mục tiêu, tính chất của dự án, bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngoại tệ đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.
Tuy nhiên, theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, các nhà đầu tư theo hình thức PPP vẫn phải chịu rủi ro về ngoại hối khiến chi phí tăng cao và dự án khó có hiệu quả kinh tế. Cùng quan điểm này, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho rằng Chính phủ phải xác định rõ danh mục các dự án trọng điểm cần sử dụng ngân sách chính phủ, bảo lãnh của chính phủ để triển khai. Ông nói: “Chính phủ Việt Nam phải chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá liên quan đến thanh toán đáo hạn”.
Về các vấn đề này, ông Thắng cho biết hiện khung pháp lý liên quan tới PPP mới giới hạn ở mức nghị định. Trong khi đó, việc triển khai dự án lại liên quan tới nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật các tổ chức tín dụng… Những xung đột liên quan các vấn đề như bảo lãnh của Chính phủ, bảo lãnh lãi cho nhà đầu tư, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ khó có thể giải quyết trong phạm vi một nghị định. Chính vì vậy, tính hấp dẫn của đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng thời gian qua là chưa cao.
Sẽ có luật mới
Ông Thắng cho biết hiện Việt Nam cần đầu tư hàng loạt hệ thống sân bay, cảng biển, hệ thống đường cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị lớn. Và để khơi thông nguồn vốn đầu tư, Chính phủ đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận bổ sung Luật PPP vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này và sẽ thông qua vào kỳ họp đầu năm 2020.
Dù chưa tiết lộ những điểm mới trong dự thảo luật nhưng theo ông Thắng, nếu được Quốc hội thông qua, luật mới có khả năng giải quyết vấn đề tồn tại của hình thức đầu tư PPP hiện nay. “Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm tham gia cùng Chính phủ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam”, ông nói.
Nêu kỳ vọng về bộ luật mới, ông Tony Foster cho rằng một cơ chế đầu tư PPP tốt cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt. Theo nhóm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong soạn thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các vấn đề liên quan đến bảo lãnh đối với dự án cũng như các nguyên tắc về chuẩn bị và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án.
Một số vướng mắc khác cũng cần được xem xét bao gồm vướng mắc về huy động vốn (như về thế chấp quyền sử dụng đất cho bên cho vay nước ngoài); các bảo lãnh của Chính phủ (như về bảo lãnh rủi ro ngoại hối); nghĩa vụ của bên bao tiêu hàng hóa dịch vụ (đang ngày càng hạn chế so với trước đây); chính sách mới về thuế trên lãi đối với khoản vay nước ngoài. “Nhóm công tác cơ sở hạ tầng đề xuất luật cần làm rõ các quan điểm của Chính phủ liên quan đến các nội dung quan trọng này và xác định rõ khả năng cũng như cơ chế để nhà đầu tư có thể xin được các ngoại lệ liên quan đến các chính sách chung đó”, ông Tony Foster nói. Ông cũng đề xuất trong thời gian chờ đợi luật cần có những dự án thí điểm để rút kinh nghiệm và làm cơ sở xây dựng luật.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/