|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khối ngoại 'nhòm ngó' xi măng nội

10:34 | 23/07/2017
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2017 đã qua đi, dẫu chưa có nhà đầu tư nào công bố kế hoạch “chốt hạ” doanh nghiệp xi măng nội, nhưng sự “để mắt” tới các cuộc thôn tính trong ngành vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Xi măng hút vốn từ khối ngoại

Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành vật liệu xây dựng thời gian qua đã trôi đi với các thương vụ đình đám được diễn ra theo một chiều: các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp nội.

Tháng 3/2017, Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) công bố hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM).

khoi ngoai nhom ngo xi mang noi
Doanh nghiệp sản xuất xi măng vẫn là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Chí Cường

Giá trị doanh nghiệp trong giao dịch này là 440 triệu USD, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại.

Việc công bố mua lại 100% cổ phần VCM ngay trong những tháng đầu năm 2017 cho thấy, từ lâu, VCM đã lọt vào tầm ngắm của ông lớn này, một lần nữa chứng tỏ xi măng vẫn đang là ngành kinh doanh hấp dấn với các ông chủ Thái Lan.

Dây chuyền sản xuất của VCM có công suất 3,1 triệu tấn/năm. Sau khi thực hiện giao dịch này, tổng công suất xi măng của Tập đoàn SCG tại các quốc gia ASEAN (không bao gồm Thái Lan) tăng lên 10,5 triệu tấn, cùng với 23 triệu tấn ở Thái Lan. Qua thương vụ này, có thể thấy, thông qua những thương vụ M&A, doanh nghiệp Thái Lan đang thể hiện sự lấn lướt trên thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Trước thời điểm công bố sở hữu 100% cổ phần của VCM, trong nhiều sự kiện, đại diện SCG đều khẳng định, sẽ tiếp tục “để mắt” tới thị trường xi măng Việt Nam và chờ thời cơ gia tăng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp xi măng Việt.

Trước đó, Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) đã thành công khi giành được quyền mua lại 65% cổ phần của Tập đoàn LafargeHolcim trong liên doanh Holcim Việt Nam.

Giá trị tài sản của LafargeHolcim Việt Nam được định giá trong thương vụ là 890 triệu USD. Và để sở hữu 65% cổ phần, SCCC phải chi ra 580 triệu USD.

Sau khi hoàn tất thương vụ M&A này, đầu năm 2017, ông chủ mới của xi măng Holcim đã công bố đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam với thương hiệu INSEE.

Một số thương vụ M&A ngành xi măng

Tập đoàn SCG, Thái Lan mua lại Nhà máy Xi măng Bửu Long, Đồng NaiSCG mua 100% cổ phần, tương đương 156 triệu USD từ VCM, để sở hữu Xi măng Sông Gianh (Quảng Trị), các Trạm nghiền và Xi măng Văn Hóa 1,6 triệu tấn.Tập đoàn Siam City Cement (Thái Lan) chi 580 triệu USD mua 65% cổ phần Xi măng Holcim.

(Nguồn: Bộ Xây dựng)

Sáng 17/7/2017, trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển Bền vững Xi măng INSEE cho biết, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu INSEE tại các địa bàn tiêu thụ và tới đầu tháng 9/2017, việc chạy song song 2 thương hiệu cũ và mới như hiện tại sẽ chấm dứt, khi sản phẩm của Công ty sẽ chỉ mang thương hiệu INSEE.

Đặc biệt, quyết tâm đổ vốn thêm vào ngành xi măng Việt Nam cũng được nhà đầu tư này tiết lộ. Cụ thể, ngày 3/7 vừa qua, trong cuộc làm việc với UBND TP.HCM, Ban giám đốc Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam cho biết, trong vòng 12 - 24 tháng tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm 30 - 50 triệu USD để tăng năng lực sản xuất tại các nhà máy xi măng của họ tại Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về “ý định mua lại doanh nghiệp nội để gia tăng sản lượng, và lợi thế cạnh tranh của nhà cung cấp lớn trong thời gian tới”, ông Bảo cho rằng, ngoài việc duy trì hoạt động kinh doanh, Công ty sẽ tiếp tục “để mắt” tới những doanh nghiệp có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng quyết định mua sẽ phụ thuộc vào thị trường tại thời điểm cụ thể.

Dễ bị doanh nghiệp ngoại thôn tính

5 năm trước, sau một thời kỳ rộ lên các vụ M&A ngành xi măng mà ông chủ là doanh nghiệp nội như Tập đoàn Vissai (mua Xi măng Đồng Bành, Xi măng Dầu khí 12/9 và Xi măng Đô Lương); Xi măng Bỉm Sơn (mua Trạm nghiền Xi măng Đại Việt qua việc mua 76,8% cổ phần của Công ty CP Xi măng Miền Trung); Tập đoàn Xuân Thành (mua Xi măng Minh Tâm, Xi măng Hoàng Long và thâu tóm Xi măng Sài Sơn), thời gian gần đây, khối ngoại hầu hết đã giành quyền mua lại các dự án xi măng công suất lớn tại Việt Nam.

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay, xi măng nội đang dư thừa công suất hàng chục triệu tấn, xuất khẩu khó và giảm lợi nhuận hơn khi giá xuất khẩu giảm, lại còn phải chịu thuế suất xuất khẩu 5%..., những yếu tố làm doanh nghiệp yếu đi đó sẽ càng tạo điều kiện cho các nhà sản xuất nước ngoài thâu tóm. Đường đi của dòng vốn ngoại trong thời gian tới được dự báo đang âm thầm với đích ngắm là các doanh nghiệp nội “ốm yếu”, kinh doanh bết bát.

“Khi một doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh, rất dễ để một nhà đầu tư nào đó thôn tính, bởi đó là thời điểm “vàng” cho bên mua, nhằm chốt với giá chuyển nhượng hời nhất”, ông Trường phân tích.

“Với những diễn biến trên thị trường, có thể thấy, tốc độ dịch chuyển sở hữu trong ngành xi măng sẽ phụ thuộc vào độ lấn lướt của khối các doanh nghiệp lớn, bởi nếu muốn thoát khỏi cảnh phá sản, các doanh nghiệp nhỏ chỉ còn lựa chọn duy nhất là “bán mình” cho doanh nghiệp ngoại và đó là quy luật thị trường”, ông Lê Văn Tới, chuyên gia trong ngành xi măng cho biết.

Ông Tới dự đoán, với chiến lược bài bản và tiềm lực tài chính khá hùng mạnh, trong trung hạn, SCG và Siam City Cement sẽ tiếp tục thể hiện sự vượt trội trên thị trường M&A khối các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.

Thế Hải