|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khởi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Trung Sơn vào quý IV, kết nối trực tiếp Thái Nguyên và Tuyên Quang

04:00 | 27/08/2023
Chia sẻ
Đường Chợ Chu - Trung Sơn dự kiến sẽ khởi công vào quý IV năm nay và hoàn thành vào năm 2025, có tổng chiều dài 28,6 km, vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Đây là một trong 3 đoạn tuyến chưa hoàn thành của đường Hồ Chí Minh.

Bản đồ hướng tuyến đường Chợ Chu - Trung Sơn. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa lập báo cáo liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Trung Sơn. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Viên chuyên ngành Môi trường.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Ngã Ba Trung Sơn đi qua hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Giai đoạn 1 của dự án là Chợ Mới - Chợ Chu được thực hiện trong 2016 - 2019, hiện tại đã được thi công và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2019. Đối với đoạn Chợ Chu - Trung Sơn, kế hoạch ban đầu thực hiện trong 2019 - 2020, tuy nhiên chưa bố trí được vốn để triển khai.

Dự kiến khi hoàn thành, tuyến Chợ Chu - Trung Sơn sẽ đồng bộ với tuyến Chợ Mới - Chợ Chu, tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang...

Đường Chợ Chu - Trung Sơn sẽ có tổng chiều dài 28,6 km, không bao gồm cầu Bến Nước, cầu Suối Cóc và đường dẫn hai đầu cầu). Trong đó, đoạn qua địa phận Thái Nguyên dài 12 km và đoạn qua Tuyên Quang dài 16,6 km.

 

 

Một số hình ảnh hướng tuyến. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hướng tuyến, từ điểm đầu Chợ Chu tuyến đi về Bảo Linh, sau đó rẽ trái tách khỏi đường nhựa hiện hữu đi qua khu vực ruộng lúa đi phía sau trường THCS và trường Tiểu học xã Phúc Chu, cắt suối hiện trạng.

Tại đây tuyến tiếp tục rẽ trái cắt qua mom đồi thấp, đi qua khu vực ruộng lúa và bắt nhập vào tuyến cũ, tương ứng vị trí cầu Là Khắt (cầu Đồng Rọ), tuyến tiếp tục bám theo đường hiện hữu.

Đến khoảng Km252+740, tuyến tiếp tục đi thẳng qua khu vực ruộng lúa để tránh khu dân cư dọc hai bên đường cũ, sau đó rẽ phải và nhập vào đường cũ tại khoảng Km254+200.

Đến khoảng Km258+400 tuyến men theo sườn đồi để tránh khu vực rừng tự nhiên, tiếp tục bám theo hướng tuyến cũ đến khoảng Km261+000 tuyến điều chỉnh về bên trái, sau đó tuyến rẽ phải ra phía khu vực ruộng lúa sát sông Phó Đáy để tránh hoàn toàn khu vực rừng tự nhiên.

Tại đây tuyến nhập vào đường hiện hữu đến khoảng Km262+100, tuyến vi chỉnh cục bộ về bên phải để tránh rừng tự nhiện tại Km262+500, tại đây tuyến hoàn toàn bám theo hướng tuyến trước đây qua cầu Bến Nước tại khoảng Km263+800 và đến Km264+000 tuyến đẩy dịch lên phía đồi cao để tránh khu vực rừng tự nhiên phía taluy âm của đường hiện hữu.

Sau đó, tuyến bám theo hướng tuyến trước đây đi qua cầu Suối Cóc hiện hữu và đến khoảng Km 269+900 tuyến vi chỉnh sang phía trái tuyến khoảng 5 m so với phương án ban đầu để tránh rừng tự nhiên tại Km270+000.

Từ đây hướng tuyến bám hoàn hoàn theo phương án đã được Bộ GTVT nghiên cứu trước đây và đến khoảng Km273+700, tuyến rẽ trái đi trùng đường cũ để tận dụng toàn bộ nền đường hiện hữu, tuyến đi thẳng qua trường PTTH Trung Sơn.

Sau đó, tuyến tách ra khỏi đường cũ đi xuyên qua khu vực chân đồi phía sau nhà dân, sau đó tuyến rẽ trái đi qua khu vực đồng ruộng và nhập vào QL2C hiện hữu tại khoảng Km275+200, tại đây tuyến đi trùng với QL2C và kết thúc tại Ngã ba Trung Sơn.

Quy mô mặt cắt ngang đường Chợ Chu - Trung Sơn. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng sử dụng đất, khu vực dự án đi qua huyện Tuyên Quang có diện tích đất khoảng 45,35 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp, trong đó: 7 ha là đường hiện hiện hữu, còn lại là 38,35 ha.

Trong số 38,35 ha, diện tích do hộ gia đình, cá nhân quản lý gồm 47 hộ gia đình với 13,46 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn quản lý là 0,8 ha; UBND xã quản lý là 24,1 ha.

Đối với đoạn qua Thái Nguyên, diện tích sử dụng đất của dự án là 35,54 ha, trong đó đất có rừng trồng là 13,52 ha.

Nhìn chung, khu vực dự án chủ yếu đi qua khu đất nông, lâm nghiệp (trồng keo, cao su, bạch đàn…) và đất thổ cư mà không cắt qua các khu vực nhạy cảm về môi trường; không có khu dự trữ sinh quyển hay vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; chỉ cắt qua một số khu dân cư và một số khu trường học, trạm y tế nằm cách dự án 20 – 200 m; dân cư sống thưa thớt dọc hai bên tuyến. Hầu hết các thôn xóm, nhà dân nằm xen lẫn đồng ruộng.

Về quy mô, đây sẽ là đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60 km/h với 2 làn xe cơ giới (rộng 9 m), riêng đoạn tuyến đi qua khu vực Trung tâm xã Trung Sơn với chiều dài khoảng 500 m thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị (rộng 14 m).

Trên tuyến sẽ có tổng cộng 3 nút giao cắt với quốc lộ 3C, quốc lộ 2C và ngã ba Trung Sơn. Cả 3 nút đều là ngã ba đồng mức, được vuốt nối về đường hiện trạng, bán kính các nhánh rẽ 30 m.

Tổng mức đầu tư của đoạn Chợ Chu - Trung Sơn là hơn 1.665 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm 391 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm 969 tỷ đồng. Về tiến độ, dự án có thể khởi công vào quý IV năm nay và hoàn thành vào năm 2025.

Đường Hồ Chí Minh còn 3 đoạn tuyến chưa xây dựng

Đường Hồ Chí Minh nằm trong chiến lược tổng thể phát triển giao thông vận tải nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, được Quốc hội khoá XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 12/2004.

Đường đi qua 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía tây dài 500 km). Điểm đầu tuyến nằm ở Pác Bó (Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau).

Điểm đầu đường Hồ Chí Minh tại Pác Bó, Cao Bằng. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Cho đến nay, theo báo cáo của Chính phủ, đối với việc thực hiện các dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh, đã triển khai thi công hoàn thành khoảng 2.362 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh.

Như vậy, dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo yêu cầu của Quốc hội, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn còn 3 đoạn là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến; Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (hơn 6% tổng dự án).

Ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đoạn này có tổng chiều dài 51,8 km, đi qua hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ quý I/2024.

Trong năm nay, đoạn Chơn Thành - Nhơn Hòa dự kiến cũng sẽ được khởi công. Đoạn tuyến này từng triển khai từ năm 2007 và đã trải qua hai lần tạm dừng thi công vào các năm 2011 và 2019.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ đi qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Điểm đầu tuyến tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Điểm cuối tuyến giao với quốc lộ N2 thuộc huyện Đức Hoà, Long An. Tổng chiều dài toàn tuyến 72,75 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 136 tỷ đồng và chi phí xây dựng là 1.790 tỷ đồng.

Hoàng Huy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.