|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

78.000 tỷ đồng được Kho bạc Nhà nước dự kiến bơm ra thị trường trong quý II

10:46 | 17/05/2022
Chia sẻ
Với việc điều chỉnh hạn mức giao dịch mua lại kỳ hạn TPCP và chào mua ngoại tệ từ NHTM, KBNN dự kiến bơm khoảng 78.000 tỷ đồng ra thị trường trong quý II.

Kho bạc Nhà nước vừa có thông báo điều chỉnh hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong quý II/2022. Cụ thể, tổng hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP trong quý II/2022 là 73.470 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quy mô dự kiến được công bố trong tháng 4 là 67.027 tỷ đồng.

Số liệu từ HNX cho thấy, thị trường TPCP sơ cấp trong tháng 5 tiếp tục hoạt động kém sôi động so với năm trước do nhu cầu mua TPCP từ các NHTM giảm dưới áp lực thanh khoản hệ thống đang nhiều chịu áp lực, theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

Trong tháng 5, KBNN cũng thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ NHTM đợt 3 với khối lượng dự kiến là 200 triệu USD. Loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay. Ngày giao dịch là 10/5/2022; ngày thanh toán dự kiến là 12/5/2022.

Với hai kế hoạch trên, KBNN dự kiến bơm khoảng 78.000 tỷ đồng ra thị trường trong quý II/2022 thông qua hệ thống NHTM.

 Nguồn: SSI.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho biết trong tuần qua, KBNN gọi thầu tổng cộng 4.500 tỷ đồng TPCP và trúng thầu 870 tỷ đồng, ở 2 kỳ hạn 15 năm và 30 năm. Lợi suất trúng thầu không có thay đổi so với phiên trước đó.

Nhìn chung, sự chênh lệnh giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên hai thị trường sơ cấp và thứ cấp vẫn được duy trì khiến nhu cầu đầu tư TPCP vẫn thận trọng.

Chuyên gia kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được cải thiện kể từ cuối quý II khi các rào cản về mặt pháp lý có thể được cải thiện sau kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 5 tới đây và thị trường sơ cấp sẽ nhộn nhịp trở lại. Tính đến hiện tại, chỉ có 11,7% kế hoạch phát hành năm và 4,6% kế hoạch quý được thực hiện.

Trong khi đó, KBSV cho rằng lợi suất TPCP sẽ nhích tăng nhẹ trong các tháng tới với nguồn cung dự kiến dồi dào khi nhu cầu phát hành trái phiếu của KBNN sẽ tăng theo kế hoạch tăng tốc giải ngân đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế cũng như tài trợ vốn cho các khoản trái phiếu đáo hạn.

Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2022 tập trung vào giai đoạn 6 tháng đầu năm, do vậy chuyên gia đánh giá áp lực phát hành sẽ tập trung trong 2 tháng sau của quý II/2022. Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống không còn quá dồi dào như trong năm 2021 khiến nhu cầu TPCP của các NHTM suy giảm.

Phương Nga