Khi trái phiếu chính phủ đắt hàng
Trái phiếu Chính phủ đã có một năm phát hành thành công ngoài mong đợi trên thị trường sơ cấp, mặc dù lãi suất và lợi suất trúng thầu giảm dần.
Vượt kế hoạch
Tính đến ngày 24/12, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công hơn 281.294 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Cần biết, trong năm, Kho bạc Nhà nước đã có đến 2 lần tăng kế hoạch phát hành, lần thứ nhất vào 30/6 tăng từ mức ban đầu 220 nghìn tỷ lên 250 nghìn tỷ đồng. Sau khi sớm hoàn thành kế hoạch này từ đầu tháng 9 thì đến ngày 20/9, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tăng kế hoạch phát hành thêm 31 nghìn tỷ đồng, lên mức 281 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng đã có một năm thanh khoản luôn được duy trì ở mức dồi dào nhờ vào nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt, trong khi đầu ra tín dụng được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, nhiều ngân hàng đã lựa chọn kênh trái phiếu Chính phủ vừa để đa dạng hóa danh mục đầu tư vừa để khơi thông đầu ra nguồn vốn nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.
Vì vậy, tỷ lệ đăng ký đặt thầu luôn ở mức rất cao qua các phiên trong năm.
Tính đến ngày 24/12 thì tỷ lệ này cả năm là 208%, tăng mạnh so với mức 191% trong năm 2015 là 191%. Trong khi đó, tỷ lệ trúng thầu cũng ở mức cao, 82%, tăng so với mức 67% trong năm 2015, dù giá trị gọi thầu tăng đến 18% so với năm 2015.
Đáng lưu ý là chủ thể mua trái phiếu Chính phủ đang ngày càng đa dạng. Nếu như trước đây 80% lượng trái phiếu Chính phủ được mua bởi các ngân hàng thương mại, thì nay tỷ lệ này chỉ còn 60%. Lượng nhà đầu tư tham gia đến từ các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng về số lượng cũng như giá trị giao dịch.
Kỳ hạn đa dạng
Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ 5 năm vẫn chiếm ưu thế. Giá trị trúng thầu trái phiếu Chính phủ ở kỳ hạn 5 năm chiếm gần 58%, tiếp đến là kỳ hạn 15 năm chiếm 11,3%. Với nguồn vốn huy động chủ yếu ở kỳ hạn ngắn thì các ngân hàng tập trung đầu tư vào các trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn vừa phải, từ 5 năm trở lại.
Trong năm 2016, lần đầu Kho bạc Nhà nước đã khá thành công khi phát hành trái phiếu Chính phủ dài 20 năm, 30 năm. Cụ thể ở kỳ hạn 30 năm có tỷ lệ trúng thầu lên đến 82% và chiếm gần 9% trong tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành thành công. Điều này cho thấy niềm tin vào sự ổn định của mặt bằng lãi suất cũng như nền kinh tế trong dài hạn đã tăng lên nhiều so với trước đây.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ liên tiếp đi xuống trong năm qua cũng giúp Kho bạc Nhà nước tiết giảm được chi phí huy động vốn trên thị trường này. Thống kê cho thấy lãi suất trúng thầu năm 2016 tiếp tục giảm so với năm 2015, trong đó kỳ hạn 3 năm giảm nhiều nhất, từ 0,2 - 0,5%. Kỳ hạn 30 năm dù phát hành khá thành công nhưng lãi suất cũng chỉ ở mức quanh 8%. Nếu có thể tiếp tục phát hành thành công ở các kỳ hạn dài như thế với mức lãi suất phù hợp thì sẽ giúp Chính phủ có thể cơ cấu lại kỳ hạn nợ tối ưu hơn với chi phí ở mức chấp nhận được.
Hiện tại lãi suất của trái phiếu Chính phủ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài là khá hấp dẫn trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đang duy trì mức lãi suất cực thấp, hoặc thậm chí ở mức âm, như Nhật, Đức, Thụy Điển.
Với tỷ giá USD/VND dù có tăng nhưng vẫn được đánh giá là ổn định so với các đồng tiền khác trước sự đi lên mạnh mẽ của đồng USD trong thời gian qua, nên đã thu hút khối ngoại mua ròng 12.127 tỷ đồng trên thị trường thứ cấp, mặc dù trong quý IV đã bán ròng 10.101 tỷ, đặc biệt là mức bán ròng 7.528 tỷ riêng trong tháng 8 trước việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và FED nâng lãi suất. Tuy nhiên, nếu so với mức bán ròng 5.817 tỷ đồng trong năm 2015 và 9.664 tỷ đồng trong năm 2014 thì mức mua ròng trong năm 2016 là rất cao.
Niềm vui có trọn vẹn?
Tuy nhiên, với việc trái phiếu Chính phủ phát hành thành công trong năm, nguồn vốn ngân hàng rót vào kênh đầu tư này ngày càng tăng trong khi vẫn có một bộ phận khách hàng doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn tín dụng của ngân hàng, nhất là nhóm khách hành doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho thấy cơ chế vận hành nguồn lực trong nền kinh tế đang có vấn đề.
Việc các ngân hàng vẫn ưu chuộng rót vốn vào thị trường trái phiếu Chính phủ mặc dù lãi suất đi xuống và thấp hơn nhiều so với việc đẩy vốn ra nền kinh tế, đã phản ánh những lo ngại về rủi ro của nền kinh tế vẫn đang hiện hữu và niềm tin vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong nước chưa phục hồi.
Và một khi nguồn vốn của các ngân hàng chỉ chăm chăm rót vào trái phiếu Chính phủ sẽ dễ dẫn đến việc Chính phủ ngày càng tăng vay nợ, dẫn đến nguồn vốn dành cho khu vực tư nhân bị hạn chế và mặt bằng lãi suất cũng có thể nâng lên do nguồn lực không đủ để đáp ứng cầu vốn, cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong đầu tư tư nhân và tác động tiêu cực lên sự tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn.
Một hệ quả tiêu cực khác là rủi ro về kỳ hạn trong nguồn vốn của các ngân hàng cũng tăng lên. Hiện tại nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu tập trung ở kỳ hạn ngắn, một khi dòng vốn rót quá nhiều vào rái phiếu Chính phủ với các kỳ hạn dài hơn từ 5 năm trở lên sẽ đối mặt với rủi ro kỳ hạn và rủi ro thanh khoản, dẫn đến dễ bị tổn thương trước các cú sốc trong nền kinh tế và những sự kiện ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường tài chính.