|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khi khủng hoảng ngân hàng tác động tới thị trường tiền điện tử

22:30 | 17/03/2023
Chia sẻ
Theo giới quan sát, lĩnh vực tiền điện tử toàn cầu đang chìm trong giai đoạn đầy khó khăn với một loạt những rắc rối, bê bối và thất bại nghiêm trọng trong những tháng gần đây.

Giữa lúc ngành tài chính thế giới đã bị rung chuyển bởi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank vào tuần trước, lĩnh vực tiền điện tử cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai vụ phá sản của Silvergate và Signature - các ngân hàng chuyên cho vay trong ngành này chỉ vài tháng sau sự cố của nền tảng giao dịch tiền điện tử FTX.

Trong bối cảnh như vậy, giới chức các nước cần gấp rút hành động để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những hành vi gian lận và lừa đảo. Tuy nhiên, dù nhiều người coi những biện pháp này là cần thiết, một số khác lại thận trọng rằng các chính phủ có thể sẽ hành động quá khắc nghiệt và kìm hãm sự đổi mới - sáng tạo.

 Ảnh minh hoạ: AFP.

Những rủi ro lớn

Thị trường tiền điện tử toàn cầu hiện có giá trị hơn 1.000 tỷ USD và đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, mặc dù con số trên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2021 là 3.000 tỷ USD.

Ông Martin Walker, người đứng đầu bộ phận ngân hàng tại trung tâm tư vấn Center for Evidence-Based Management có trụ sở tại Hà Lan, cho biết số lượng khách hàng sử dụng tiền điện tử đã tăng lên đáng kể trong thời gian các nước áp đặt lệnh phong tỏa vì dịch bệnh.

Theo ông Walker, những khách hàng này đã tham gia vào một thị trường không được kiểm soát với nhiều rủi ro lớn, nhưng lại không nhận ra rằng họ đang đầu tư vào các tài sản trong nhiều trường hợp là bất hợp pháp.

Ông cũng lập luận rằng các nền tảng giao dịch cũng bị xung đột lợi ích bởi vị thế khác biệt của họ. Vì chủ sở hữu những sàn này vừa chấp nhận rủi ro đặt lệnh giao dịch tiền điện tử, vừa bán những tài sản này cho khách hàng của họ. Ông Walker lưu ý người dùng thường không nhận ra điều này là trái phép trong hoạt động tài chính thông thường.

Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Ludovic Desmedt của Đại học Bourgogne nói rằng các nền tảng giao dịch như vậy là mối liên kết giữa thế giới tiền điện tử rất phức tạp về cả mặt tài chính lẫn công nghệ với nhóm nhà đầu tư thiếu đào tạo và kiến thức về loại hình tài sản còn non trẻ này.

Ngoài ra, tiền điện tử có thể trải qua những biến động giá bất thường. Giá trị của chúng không được xác định thông qua các thị trường minh bạch như các loại tiền tệ, cổ phiếu hoặc hàng hóa truyền thống.

Kết quả là, các giao dịch không hợp lệ có sử dụng tiền điện tử đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái lên gần 21 tỷ USD (số liệu do công ty chuyên về tiền điện tử Chainalysis tổng hợp). Tuy nhiên, ước tính này không bao gồm một số giao dịch bất hợp pháp như buôn bán ma túy.

Động thái của các chính phủ

Trong những tháng gần đây, chính phủ trên khắp thế giới đã có những hành động mạnh tay hơn đối với lĩnh vực tiền điện tử, nhằm tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn đối với ngành non trẻ này.

Một trong những nước có động thái mạnh mẽ nhất là Trung Quốc: chính phủ nước này đã cấm tất cả các hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử. Động thái trên được thực hiện để giải quyết những lo ngại về tác động môi trường từ việc khai thác tiền điện tử, cùng khả năng xảy ra gian lận và bất ổn tài chính. Lệnh cấm đã có tác động đáng kể đến ngành vì Trung Quốc là một trong những thị trường tiền điện tử lớn nhất thế giới.

Tại Mỹ, các quan chức đang nghiên cứu xây dựng một khuôn khổ để giám sát các công ty tiền điện tử. Nhưng vào tháng Chín năm ngoái, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan hữu trách sử dụng các quy tắc quản lý tương tự được áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Do đó, cơ quan quản lý thị trường của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã có hành động pháp lý chống lại công ty cho vay tiền điện tử Genesis và sàn giao dịch Gemini.

SEC cũng điều tra các đợt phát hành tiền điện tử lần đầu ra công chúng (ICO), được coi là các dịch vụ phát hành chứng khoán chưa được đăng ký.

Sang tháng Hai năm nay, SEC đã yêu cầu công ty tiền điện tử Paxos Trust ngừng phát hành đồng stable coin có tên BUSD trên nền tảng giao dịch lớn nhất thế giới Binance. Stable coin là những đồng tiền điện tử được gắn với một tài sản có giá trị ổn định, chẳng hạn như đồng USD, euro  hay vàng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất các quy tắc mới yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử phải báo cáo các giao dịch có quy mô từ 10.000 USD trở lên cho Sở Thuế vụ (IRS), tương tự như cách các ngân hàng báo cáo các giao dịch tiền mặt lớn.

Tại châu Âu, một dự thảo luật của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực vào năm tới sẽ buộc các nền tảng tiền điện tử phải theo dõi nghiêm ngặt và minh bạch hơn trong hoạt động của họ.

Tương tự, Chính phủ Anh cũng tiến hành một cuộc tham vấn trong năm nay để thiết lập một khung pháp lý cho lĩnh vực tiền điện tử, nhằm tránh tụt hậu so với EU và Mỹ.

Kiểm soát chứ không bóp nghẹt

Mặc dù những hành động nêu trên có thể được coi là cần thiết để ngăn chặn gian lận và các hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực tiền điện tử, một số người cho rằng chúng quá khắc nghiệt và có thể kìm hãm sự đổi mới.

Tiền điện tử có tiềm năng cách mạng hóa ngành tài chính, cung cấp thêm quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện, bao trùm. Tuy nhiên, nếu các chính phủ quá mạnh tay trong việc áp đặt các quy định, họ có thể đẩy những đổi mới công nghệ này trở thành hoạt động ngầm hoặc ngăn cản các doanh nghiệp lớn tham gia vào ngành này.

Cũng có những lo ngại rằng cách tiếp cận của các chính phủ có thể quá rộng, nhắm cả vào những doanh nghiệp hợp pháp và cản trở sự đổi mới. Ví dụ, một số người cho rằng việc SEC thắt chặt kiểm soát hoạt động ICO có thể cản trở sự phát triển của các ứng dụng và dịch vụ mới dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Tương tự, các quy tắc theo đề xuất của Bộ Tài chính có thể tạo ra gánh nặng đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp hoạt động trong không gian tiền điện tử.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là thị trường cần một số quy định, kiểm soát nhất định để bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Tiền điện tử đã được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài ra, cũng đã xảy ra nhiều trường hợp gian lận và lừa đảo trong ngành. Để ngăn chặn các hoạt động này, các chính phủ cần thiết lập các hướng dẫn và quy định rõ ràng cho các doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử.

H.Thủy (Tổng hợp)