Khi Công ty Bông Việt Nam đi trồng lúa, trồng nấm
Thay vào đó, Công ty lại đầu tư cho việc trồng lúa, dưa lưới, nấm linh chi và một số cây trồng khác nhằm đón đầu xu thế nông nghiệp công nghệ cao.
Giá bông thế giới giai đoạn 2011 – 2015. (Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam & Ngân hàng thương mại Việt Nam) |
Quy mô BVN ở mức vừa và nhỏ so với doanh nghiệp cùng ngành, nhưng lại là một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất.
Tiền thân của BVN là Công ty Bông được Bộ Nông nghiệp thành lập vào năm 1978. Khoảng 10 năm đầu hoạt động sản xuất bông mang tính chất thăm dò, chưa nghiên cứu kỹ về giống, thời vụ, quy trình canh tác nên cây bông trồng năng suất thấp, sản lượng không cao. Trong khi bông xơ phục vụ ngành dệt chủ yếu nhập từ Liên Xô với giá rẻ nên sản xuất bông trong nước không phát triển được.
Giai đoạn 1990 - 1997, ngành bông bắt đầu đạt một số thành tựu trong sản xuất hạt giống, quy trình canh tác. Đồng thời, Công ty cũng xác định vùng trồng bông quy mô lớn với năng suất và chất lượng cao. Bông xơ trong nước bắt đầu tham gia thị trường cung cấp xơ bông cho ngành dệt với thị phần khiêm tốn.
Giai đoạn1997 – 2007, ngành bông phát triển nhanh và toàn diện. Năm 1998, Công ty Bông chuyển từ Bộ Nông nghiệp Công nghiệp Thực phẩm sang Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (hiện nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Vinatex)
Năm 2007 đến nay, Công ty chuyển thành CTCP, Vinatex sở hữu 55% vốn. Năm 2008, vốn điều lệ BVN đạt 50 tỷ đồng. Ngoài sản xuất trong nước, Công ty còn nhập khẩu bông xơ cho ngành dệt may.
Cơ cấu cổ đông BVN tính đến cuối năm 2016. (Nguồn: BCTN 2016). |
Từ năm 2013, hoạt động kinh doanh bông bắt đầu giảm sút, cây bông không được người nông dân đưa vào cơ cấu cây trồng, hệ thống máy cán bông không hoạt động được.
Thay vào đó, Công ty sản xuất nấm linh chi đỏ, lúa giống, dưa lưới. Tuy nhiên, kinh doanh nông sản không phải dễ dàng, Công ty nhận thấy quá nhiều rủi ro, không tạo nên được sản phẩm kinh doanh lâu dài khiến cho kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng qua nhiều năm chưa thể thực hiện.
Ban Giám đốc Công ty thừa nhận, năm 2016 giá bông có thời điểm tăng lên 1,57 USD/kg, nhưng giá cả vẫn chưa ổn định, đầu ra sản phẩm không thuận lợi nên kinh doanh nhập khẩu bông khó khăn. Năm qua Công ty nhập khoảng 3.400 tấn bông, trong đó nhận ủy thác 1.500 tấn. Nguồn thu từ bông đã không còn đóng góp vào lợi nhuận mà chỉ dùng để trang trải chi phí cho hoạt động kinh doanh.
BVN đang trồng nấm linh chi và phân phối nấm bào ngư, quy mô chưa lớn nhưng ổn định. Ngoài ra, Công ty tiếp tục tạo mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh dưa lưới. Kinh doanh hạt lúa giống dần có thị trường ổn định tại Bình Thuận, Đăk Lăk với sản lượng tiêu thụ năm qua đạt 2.350 tấn.
Ghi nhận kết quả trong năm 2016, doanh thu BVN đến chủ yếu từ kinh doanh thương mại, đạt 170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 4% so với năm trước và chỉ hoàn thành khoảng 60% kế hoạch đề ra. Hai đơn vị thành viên là CTCP Bông Tây Nguyên và CTCP Bông – Kinh doanh Tổng hợp Miền Nam đã kinh doanh thua lỗ. Việc hạn hán hai năm liên tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ lúa giống.
Bên cạnh đó, các xưởng bông không hoạt động cũng như không chuyển được dự án đã làm cho giá trị sản xuất công nghiệp giảm đáng kể. Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả kinh doanh 5 năm qua của BVN.
Kết quả kinh doanh 5 năm qua và kế hoạch 2017 của BVN. (Ảnh: Tiến Vũ tổng hợp). |
Lãnh đạo Công ty cho hay, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ và người tiêu dùng, BVN kỳ vọng sẽ tạo nên những sản phẩm kinh doanh mới và hiệu quả.
Theo đó, hoạt động kinh doanh trong quá trình xây dựng định hướng mới hậu cây bông, lấy lãi kinh doanh khác bù cho nợ đầu tư từ trước nên trước mắt sẽ khó đạt lợi nhuận cao.
Kế hoạch 2017 – 2021, Công ty tập trung kinh doanh những sản phẩm thế mạnh của Công ty như nhập khẩu bông, hạt nhựa. Đồng thời, mở rộng nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ lúa giống với mục tiêu 3.000 tấn/năm; đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch như dưa lưới, rau củ, nấm dược liệu và nấm ăn.
Hoạt động đầu tư tài chính sẽ thoái hết vốn tại CTCP Bông Tây Nguyên, mua hết cổ phần tại CTCP Bông và Kinh doanh tổng hợp Miền Trung, tăng vốn tại CTCP Giống Cây trồng Nha Hố và giải pháp linh hoạt với phần vốn tại Công ty Sợi Phú Bài.
Dự kiến doanh thu và lợi nhuận 2017 lần lượt là 270 và 6 tỷ đồng, cổ tức ở mức 5%. Công ty cũng đầu tư thêm 5.000 m2 nhà màng để sản xuất dưa lưới; đầu tư 1.200 m2 kho để kinh doanh cho thuê tại Nha Trang; đầu tư 2 lò sấy lúa để tăng quy mô lúa giống lên 3.000 tấn/năm.
Hồi năm 2016, Cục xúc tiến thương mại Việt Nam từng đưa ra một số các nhân tố chính ảnh hưởng đến tiêu thụ bông của Việt Nam như nhu cầu bông của Trung Quốc gia tăng; giá bông thế giới duy trì ở mức thấp; việc mở rộng các nhà máy kéo sợi của nhà đầu tư nước ngoài để nắm bắt các cơ hội do các hiệp định thương mại. Việt Nam cũng được dự báo sẽ tiêu thụ nhiều bông hơn trong niên vụ 2016/2017, tăng 20% so với cùng kì năm trước. |