|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khánh thành cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, không thu phí trong 60 ngày

16:01 | 27/04/2022
Chia sẻ
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được chính thức đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính, không thu phí bắt đầu tư 7 giờ 30 phút ngày 30/4/2022, dự kiến trong 60 ngày, với tốc độ 60-80 km/h.

Quang cảnh lễ thông xe cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN).

Sáng 27/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận tổ chức Lễ khánh thành cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và chỉ đạo tại buổi lễ.

Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51km, 04 làn xe cao tốc, mỗi làn rộng 3,5m và dãy phân cách giữa.

Trên toàn tuyến còn có 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 10 cầu vượt trực thông, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè, 1 cầu trên tuyến nối nút giao Cai Lậy. Tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương nỗ lực của tỉnh Tiền Giang với tư cách cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và các ngành hữu quan đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đưa dự án hoàn thành và đi vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long  nói riêng, cả nước nói chung, như kỳ vọng và mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hoàn thành là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa kinh tế-xã hội và thiết thực tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, một vùng kinh tế trọng điểm, giàu tiềm năng của cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo để công trình cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận phát huy tốt hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện công trình, thi công thêm các đường gom, làn dừng khẩn cấp, các công trình kiến thiết hạ tầng có liên quan, trạm dừng nghỉ …cũng như có phương án đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, có giải pháp duy tu, bảo quản công trình, kịp thời xử lý sự cố hoặc chống xuống cấp công trình.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành vừa đạt mục tiêu an toàn, đảm bảo giao thông thông suốt toàn tuyến vừa đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng cho biết đầu tư kiện toàn mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông cho cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đầu tư phát triển các dự án đường cao tốc tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Trước mắt, đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 nâng lên 5.000km đường cao tốc. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2025 có khoảng 400km đường cao tốc.

Sau khi hoàn thành cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc (An Giang)-Trần Đề (Sóc Trăng)…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN).

Do vậy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh có dự án cao tốc đi ngang đúc kết kinh nghiệm từ dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, khắc phục khó khăn, có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhà đầu tư… cần chủ động chuẩn bị nguồn lực, nguồn cung vật liệu xây dựng, quan tâm giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thuận lợi cho quá trình thi công.

Trong thực hiện triển khai các dự án đường cao tốc cần lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm cũng như có cơ chế, chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình, hoàn thành và đưa vào phục vụ đúng kế hoạch, góp phần phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống, tạo động lực để khai thác tốt tiềm lực kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long vì sự phồn vinh của cả nước.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Dự án khởi công lần đầu vào tháng 11/2009. Tuy nhiên, sau gần 10 năm đình trệ với 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và đến hết năm 2018 mới chỉ hoàn thành được hơn 10% khối lượng công việc.

Tháng 3 năm 2019, Chính phủ chuyển Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án).

Sau Lễ khánh thành, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được chính thức đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính, không thu phí bắt đầu tư 7 giờ 30 phút ngày 30/4/2022, dự kiến trong 60 ngày, với tốc độ tối thiểu 60 km/h và tốc độ tối đa 80 km/h.

Đây là thời gian để Công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Minh Trí