|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khai tử quỹ đầu tư nhà nước Malaysia

08:52 | 09/01/2017
Chia sẻ
Việc đóng cửa quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB, bị thua lỗ với trách nhiệm tài chính nặng nề, không phải là một cuộc “hạ cánh” dễ dàng, theo các chuyên gia.
Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB thua lỗ nặng, gây hậu quả chính trị, kinh tế nghiêm trọngREUTERS

Báo The Straits Times ngày 7.1 dẫn lời quan chức chính phủ Malaysia cho hay các tài sản 1MDB đang quản lý sẽ được chuyển cho hai công ty của Bộ Tài chính trong vài tháng tới để dọn đường cho việc “khai tử” quỹ đầu tư nhà nước tai tiếng khắp thế giới này.

Các tài sản “có giá trị” được đề cập gồm 2 lô đất 197 ha và 28 ha ở ngoại vi thủ đô Kuala Lumpur và 1 lô 95 ha trên hòn đảo phía tây Malaysia thuộc bang Penang. Trong đó, lô 197 ha, với 40% sở hữu của 1MDB, được quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Bandar Malaysia, có nhà ga trung tâm khởi đầu tuyến đường sắt cao tốc nối Malaysia và Singapore trong tương lai. Lô 28 ha gần kề đang được xây dựng trở thành trung tâm tài chính Tun Razak Exchange.

Công quỹ bị biển thủ ?

1MDB do Thủ tướng Najib Razak thành lập năm 2009 ngay sau khi nhậm chức, nhằm phát triển hạ tầng quốc gia bằng vốn phát hành trái phiếu. Sau 5 năm tồn tại, 1MDB nợ hơn 12 tỉ USD. Thủ tướng Najib, với vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn 1MDB đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, bị cáo buộc biển thủ tiền quỹ và đối mặt với sự bất bình dai dẳng của công chúng.

Đỉnh điểm bất bình nổ ra hồi tháng 7.2015 khi tờ The Wall Street Journal, dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Malaysia, cho hay tài khoản cá nhân của ông Najib đã nhận 5 khoản tiền mờ ám liên quan đến Quỹ 1MDB, tổng cộng gần 700 triệu USD. Ông Najib thừa nhận số tiền này do một nhà hảo tâm Trung Đông tài trợ cho mục đích chính trị, không liên quan 1MDB, và phủ nhận mọi sai phạm.

Tháng 7.2016, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) yêu cầu tòa án nước này tiến hành tịch biên các tài sản trị giá hơn 1 tỉ USD do những người thân tín của ông Najib biển thủ từ Quỹ 1MDB và chuyển vào Mỹ. Điều tra của các cơ quan chức năng Mỹ cùng một số quốc gia có hệ thống dịch vụ tài chính nổi tiếng như Singapore, Thụy Sĩ, Luxembourg, cho hay trên 3,5 tỉ USD từ Quỹ 1MDB đã bị biển thủ và được lưu chuyển khắp thế giới bằng những thủ thuật chằng chịt, quỷ quyệt. Bản thân Thủ tướng Najib không nằm trong danh sách những người bị cáo buộc biển thủ Quỹ 1MDB và chuyển vào Mỹ, nhưng hồ sơ DoJ cũng đề cập đến “quan chức số 1 Malaysia” mà ai cũng hiểu chính là ông Najib.

Dù vậy, ông Najib, những người thân tín và ban lãnh đạo 1MDB trước sau phủ nhận mọi cáo buộc sai phạm, gọi các cáo buộc, chỉ trích là “có động cơ chính trị”. Trong khi đó, trong vài năm qua, đã có 3 công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới là KPMG, Ernst & Young và Deloitte lần lượt bị cắt hợp đồng hoặc tự rút lui sau một thời gian tiến hành kiểm toán 1MDB. Hôm 6.1, 1MDB cho hay vừa chỉ định công ty kiểm toán ít nổi tiếng Parker Randall thay thế Deloitte.

“Chết” vật vã

Trong số các nhà máy trong và ngoài nước mà 1MDB đầu tư, giới quan sát hầu như không chỉ ra được một công trình nào sinh lợi. Trái lại, nhiều nhà máy năng lượng ở nước ngoài bị cho là được 1MDB mua với giá cao hơn giá trị thực, gây thua lỗ lớn, nợ nần chồng chất. Tháng 11.2015, 1MDB đã bán một loạt nhà máy điện cho một công ty Trung Quốc, thu về 4 tỉ USD, dùng trả nợ ngân hàng. Việc công ty Trung Quốc mua lại các nhà máy này, theo giới quan sát, là “nghĩa cử” cứu nguy cho Thủ tướng Najib trước áp lực đòi ông từ chức tăng cao.

Hiện dư nợ của 1MDB còn khoảng 4,8 tỉ USD, gồm các khoản vay và trái phiếu có thời hạn trả từ năm 2022 - 2039. “Việc giải quyết các khoản nợ sẽ do chính phủ đảm nhận riêng”, một quan chức tham gia quản lý 1MDB sau khi ban lãnh đạo quỹ đồng loạt từ chức hồi tháng 4.2016 cho hay. Nhưng theo các chuyên gia ngân hàng và quan chức quản lý 1MDB, “để có được sự đồng thuận cho việc khai tử 1MDB, chính phủ Malaysia phải bảo đảm với các chủ nợ rằng các khoản vay và trái phiếu sẽ được trả hết ngay khi quỹ đầu tư này, với tư cách một công ty, chính thức đóng cửa”.

Chưa hết, chính phủ Malaysia cũng đang bị hai quỹ đầu tư nhà nước ở Abu Dhabi (UAE) là IPIC và Aabar Investment PJS đòi phải bảo đảm chi trả 6,48 tỉ USD mà hai quỹ này đã bảo lãnh cho 1MDB vay trực tiếp hoặc phát hành trái phiếu. “Hồ sơ nợ của 1MDB rất phức tạp. Một số khoản nợ có điều khoản bảo lãnh đầy đủ, một số khác chỉ có mấy bức thư ủng hộ hay vuốt ve”, một luật sư có liên quan cho hay.

Thục Minh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.