Khách hàng có nguy cơ mất nhà
5 năm nay, hàng trăm khách hàng chung cư Gia Phú liên tục kêu cứu khắp nơi, yêu cầu xử lý chủ đầu tư tội lừa đảo nhưng bất thành. (Ảnh: C.T.V) |
Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc chọn tổ chức đấu giá tài sản chung cư Gia Phú (Q.Thủ Đức, TP HCM) do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú làm chủ đầu tư. Tính đến ngày 30.4.2018, tổng dư nợ của Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú là hơn 232 tỉ đồng, trong đó nợ gốc gần 89 tỉ đồng, nợ lãi hơn 143 tỉ đồng. Theo thông báo bán đấu giá chung cư Gia Phú của NH này khoảng 112 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 10.2017, Ngân hàng BIDV cũng thông báo phát mãi khu dự án 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh (TP HCM) của Công ty Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng - khai thác công trình giao thông 584, để thu hồi khoản nợ hơn 1.000 tỉ đồng.
Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng siết nợ để thu hồi nợ xấu sau khi đơn vị này mua lại khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỉ đồng từ ngân hàng MaritimeBank, DongABank...
Theo luật sư Nguyễn Trường, Đoàn luật sư TP HCM, tại chung cư Gia Phú nợ gốc của chủ đầu tư lớn 232 tỉ đồng, nhưng ngân hàng chỉ bán đấu giá chung cư Gia Phú chỉ hơn 112 tỉ đồng, nghĩa là số tiền thu về còn không đủ trả nợ ngân hàng, nên hy vọng của khách hàng trong trường hợp này là rất mong manh.
Không riêng gì tại chung cư Gia Phú, tại các dự án khác, khi ngân hàng đem đấu giá, phát mãi tài sản thành công thì khách hàng cũng sẽ không được ưu tiên xử lý vì ngân hàng có giao dịch bảo đảm đã đăng ký tại Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, theo quy định về thứ tự ưu tiên giải quyết, tiền nợ thuế, các nghĩa vụ liên quan đến Nhà nước nếu có của chủ đầu tư sẽ ưu tiên xử lý trước, tiếp đến là xử lý cho đơn vị có giao dịch bảo đảm và đó là ngân hàng. Khi những đối tượng trên được ưu tiên xử lý nợ trước, số tiền còn lại mới được dùng để xử lý tiếp cho khách hàng vì đối tượng này không có giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp khách hàng có kiện chủ đầu tư ra tòa đòi tiền và thắng kiện thì việc giải quyết quyền lợi vẫn xếp sau ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Việt Nam (VNG REAL), khi một dự án đem thế chấp ngân hàng, toàn bộ dòng tiền bán hàng của chủ đầu tư, tiền xây dựng… chủ đầu tư đều phải báo cáo và nộp vào tài khoản ngân hàng, để ngân hàng quản lý dòng tiền ra, vào.
“Lỗi chủ đầu tư là lớn nhất khi kinh doanh thua lỗ, để dự án bị trùm mền đến mức bị ngân hàng siết nợ. Tuy nhiên ngân hàng cũng có lỗi rất lớn khi để chủ đầu tư tự tung tự tác, đem tiền bán căn hộ đi làm chuyện khác, ngân hàng không quản lý dòng vốn đến mức nợ gốc và lãi vượt qua giá trị của dự án. Lỗi của chủ đầu tư và ngân hàng nhưng cuối cùng khách hàng, những người đã bỏ tiền thật mua căn hộ là người gánh hậu quả cuối cùng, là người bị thiệt hại nặng nề nhất. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có một quy định nào đó để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các trường hợp này, không thể để họ mất trắng vì đó là cả gia tài của họ”, ông Trinh phân tích.