Tin tức Bất động sản 23/6: FDI, kiều hối đổ mạnh, thị trường BĐS TP HCM vẫn sụt giảm, ngân hàng phát mãi chung cư Gia Phú
1. Dù vốn FDI và kiều hối đổ mạnh, thị trường bất động sản TP HCM 5 tháng đầu 2018 vẫn sụt giảm
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, HoREA cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản tại TP.HCM đạt 216,3 triệu USD.
Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản là từ Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Bắc, Mỹ và gần đây là Trung Quốc.
Không chỉ thu hút tốt FDI 5 tháng đầu năm, thị trường bất động sản TP HCM còn thu hút rất mạnh nguồn kiều hối gửi về nước. Tuy nhiên, HoREA cho hay, thị trường địa ốc nơi đây lại đang có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ 2017.
2. Ngân hàng tuyên bố phát mãi, cư dân Gia Phú kêu cứu
Trước thông tin Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) thông báo về việc chọn tổ chức đấu giá tài sản chung cư Gia Phú, gần 200 khách hàng mua căn hộ tại đây đã có đơn kêu cứu khắp nơi.
Bà Phạm Thị Minh Toàn, một khách hàng mua nhà tại chung cư nói rằng gần 200 cư dân mua căn hộ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản 7 năm từ ngày ký hợp đồng mua căn hộ. Đã 5 năm qua đi tố cáo khắp nơi chưa được giải quyết dứt điểm. Nhưng vừa qua Ngân hàng BIDV lại thông cáo về việc bán đấu giá phát mãi tài sản chung cư. Điều này dẫn đến nguy cơ khách hàng có thể mất trắng nhà và chủ đầu tư là Công ty Địa ốc Gia Phú có thể thoát tội, rũ bỏ hết trách nhiệm.
Anh Dũng, đại diện cho gần 200 khách hàng cho biết, trong hợp đồng giữa ngân hàng và công ty Địa ốc Gia Phú có nêu rõ trách nhiệm về việc cho vay trong mỗi lần rút vốn phải dùng đúng mục đích, phải chuyển toàn bộ nguồn thu tiền bán căn hộ và các nguồn thu khác của chung cư này về cho ngân hàng. Định kỳ 15 ngày doanh nghiệp gửi báo cáo tình hình bán căn hộ về phòng doanh nghiệp lớn và các định chế tài chính.
3. Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân: Cổ phiếu HQC đi xuống có thể do chiến lược của công ty có vấn đề
Sáng ngày 23/6, CTCP Tư vấn – Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.
Tại đại hội, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân, cho hay, trong thời gian qua giá cổ phiếu HQC đi xuống, có thể là do chiến lược của Công ty trong giai đoạn 2016-2017 có vấn đề. Công ty tham gia thị trường nhà ở xã hội trong khi đây lại là giai đoạn thị trường sôi động nhất.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong năm nay, Hoàng Quân sẽ giảm tỷ trọng đầu tư nhà ở xã hội, nâng tỷ trọng bất động sản thương mại, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình và trung cấp, bất động sản văn phòng, du lịch, nghỉ dưỡng...
4. Xu hướng lên sàn của các doanh nghiệp bất động sản
Xu hướng niêm yết lên sàn chứng khoán (IPO) của các công ty bất động sản tại Việt Nam đang ngày một nhiều hơn khi thị trường có nhiều diễn biến mới, trong đó vị thế của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng được giới đầu tư quan tâm chú ý.
Trong năm 2017, thị trường bất động sản đã chứng kiến những đợt sóng lên sàn của hàng loạt các công ty bất động sản để đón đầu cơ hội như Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), Công ty cổ phần Đầu tư Everland (EVG), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op (SID), Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), Công ty cổ phần Kosy (KOS)…
5. 4 lý do bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng nhiệt
Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố báo cáo tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp, hậu cần, logistic Việt Nam, trong đó, đề cập đến 4 lý do tạo nên sức hút của lĩnh vực này.
Theo JLL, chi phí thấp, vị trí chiến lược, kinh tế tăng trưởng ổn định và tầng lớp trung lưu gia tăng giúp Việt Nam trở thành thỏi nam châm hút khách thuê bất động sản công nghiệp...