|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tin tức Bất động sản 22/6: OceanGroup tìm đối tác chuyển nhượng loạt dự án, khu đất vàng Hồ Tây của UDIC sẽ về tay ai?

19:00 | 22/06/2018
Chia sẻ
Tin tức Bất động sản 22/6 nổi bật với các thông tin: OceanGroup tìm đối tác chuyển nhượng loạt dự án, khu đất vàng Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt, hành trình Toàn Hải Vân gần 10 năm gọi tên ‘siêu dự án’ Vịnh Đầm Phú Quốc...

1. OceanGroup tìm đối tác để chuyển nhượng loạt dự án nhà ở trong năm 2018

Trước thềm ĐHĐCĐ 2018, công bố thông tin của OceanGroup cho biết, Tập đoàn đang tìm kiếm đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng tại hàng loạt dự án nhà ở tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác...

Theo công bố thông tin của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup – Mã: OGC) phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra vào ngày 30/6 tới, năm 2017, lĩnh vực bất động sản (BĐS) có doanh thu 49 tỷ đồng, chiếm gần 4% tổng doanh thu. Trong kế hoạch cụ thể, OceanGroup dự tính thoái vốn ở nhiều dự án không hiệu quả cao như dự án Can Lộc, Licogi 19 và Lega Fashion house...

Báo cáo cho biết, OGC luôn xác định đầu tư BĐS và dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng là lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn. Hiện tại, doanh nghiệp đang triển khai 11 dự án nằm rải rác ở cả Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành khác như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hội An, Nha Trang…

2. Số phận đất ‘vàng’ cạnh Hồ Tây của UDIC sắp được định đoạt

Khu đất “vàng” này nằm tiếp giáp gần ngã ba giữa phố Trích Sài và ngõ 282 Lạc Long Quân. Với diện tích rộng gần 2.600 m2, có mặt tiền rộng hàng chục mét này bám sát mặt phố Trích Sài và nhìn thẳng ra mặt nước Hồ Tây rộng lớn nên khu đất này được giới đầu tư đánh giá không chỉ là đất “vàng” mà là đất “kim cương” tại một vị trí đắc địa có một không hai.

Theo Quy hoạch chi tiết quận Hồ Tây tỉ lệ 1/2000 được phê duyệt tại Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29/6/2001, khu đất này được xác định nằm trong khu đất ký hiệu 37 là đất công cộng Thành phố.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay, Hà Nội lại ký hợp đồng cho Tổng Công ty UDIC thuê với hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm đến khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch.

Còn doanh nghiệp UDIC lại sử dụng khu đất này vào việc làm bãi để xe, nơi bảo dưỡng cho đội xe với những lều lán, xưởng sửa chữa và nơi rửa xe ô tô…, nhưng kỳ thực luôn tìm cách để chuyển đổi khu đất “vàng” thành dự án BĐS.

3. Hành trình Toàn Hải Vân gần 10 năm gọi tên ‘siêu dự án’ Vịnh Đầm Phú Quốc sắp về tay TTC Land

Toàn Hải Vân tiếp nhận dự án Vịnh Đầm Phú Quốc từ tháng 4/2010 với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng. Vịnh Đầm được ước tính xây dựng trong 5 năm với 3 giai đoạn. Giai đoạn I – 300 tỷ đồng đầu tư và đưa vào khai thác cụm cảng hàng hóa tổng hợp, dự kiến hoàn thành trong quý II/2011. Giai đoạn II – 400 tỷ đồng đầu tư cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống địa phương. Giai đoạn III – 500 tỷ đồng cho dự án nghỉ dưỡng “Ocean Lotus Island”.

Sau 5 năm đầu “loay hoay”, Toàn Hải Vân mới chỉ nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 24 ha, đủ điều kiện nhận vốn ngân hàng triển khai giai đoạn I. Tới giữa 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đề nghị ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc xem xét lại năng lực của Toàn Hải Vân hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.

4. Nhà đầu tư muốn trả lại hầm Hải Vân sau 12 năm khai thác

Ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT công ty CPĐT Đèo Cả - cho biết đã đề nghị trả lại công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/7. Lí do vì cơ chế cho việc hoàn vốn cho Dự án là không có.

Theo ông Thủy, hạng mục mở rộng hầm Hải Vân (thuộc dự án hầm Đèo Cả) bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới.

Theo quy định hợp đồng dự án, sau khi hoàn thành Giai đoạn 1, từ 1/1/2017 nhà đầu tư sẽ được triển khai thu phí để hoàn vốn và có nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.

5. Năm 2020 TP HCM chuyển 1.155ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) TP HCM.

Theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, TP HCM có 207.204 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% tổng diện tích tự nhiên của thành phố; 118.890 ha đất phi nông nghiệp, chiếm 56,9%.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TP HCM chuyển 26.246 ha đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp. Trong nội bộ đất nông nghiệp cũng có sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất của 5.760 ha (chuyển từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm và sang nuôi trồng thủy sản).

Đặc biệt trong kỳ cuối này, thành phố sẽ chuyển 1.363 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở. Theo kế hoạch sử dụng đất, việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất này sẽ chỉ diễn ra trong năm 2016, 2019 và 2020, trong đó đặc biệt năm 2020 sẽ chuyển 1.155 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thành đất ở.

Khánh Hà