|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khả năng tăng trưởng cao từ hoạt động bảo hiểm của MB sẽ tương đối khó khăn trong năm 2020

09:28 | 01/04/2020
Chia sẻ
VDSC cho rằng việc phục hồi lại tăng trưởng cao từ hoạt động bancassurance của MBBank sẽ là tương đối khó khăn do bảo hiểm thường được bán chéo với các khoản vay trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2020 nhiều khả năng giảm so với 2019.

Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng thu nhập dịch vụ của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – Mã: MBB) đã chậm lại sau mỗi quí năm 2019, cuối cùng giảm xuống còn 24,3% cho cả năm và là mức thấp hơn nhiều so với kì vọng ban đầu của ngân hàng là 50%.

Trong đó, thu nhập ròng từ bảo hiểm của ngân hàng chỉ tăng 33,9% trong năm 2019, trong năm 2018 đã tăng 368% và đạt 1.788 tỉ đồng, tương đương 56,1% thu nhập dịch vụ.

VDSC cho rằng khả năng phục hồi lại trạng thái tăng trưởng cao từ hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) sẽ là tương đối khó khăn do hai lí do chính. 

Một là sản phẩm bảo hiểm thường được bán chéo với các khoản vay trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2020 nhiều khả năng giảm so với 2019 và hai là cạnh tranh trong mảng này đang ngày càng gia tăng do sự gia nhập tích cực của các ngân hàng khác như Vietcombank và ACB.

Ngoài kênh bancasurance thì công ty con của MB - MB Ageas Life cũng có thể mở rộng doanh thu từ việc đẩy mạnh kênh đại lí, tuy nhiên cần lưu ý rằng chiến lược này cũng có thể khiến chi phí hoạt động tăng nhanh.

Ngoài ra, cơ cấu thu nhập dịch vụ cho thấy các khoản phí dịch vụ khác vẫn còn hạn chế, điển hình như thu nhập từ thanh toán và ngân quĩ chỉ có tỉ trọng 24,1% và tăng trưởng vừa phải ở mức 17%.

Nói chung, VDSC ước tính tăng trưởng thu nhập từ thanh toán và bảo hiểm sẽ giảm xuống lần lượt là 15% và 30% vào năm 2020.

Gánh nặng dự phòng trung hạn có thể giảm bớt

VDSC kì vọng gánh nặng dự phòng về trung hạn của MBBank sẽ giảm bớt nhờ kế hoạch kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn và tập trung sang cho vay có mục đích của MCredit.

Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 18 nhằm hạn chế tỉ lệ cho vay tiền mặt tại các công ty tài chính tiêu dùng, MCredit đã đặt kế hoạch dịch chuyển dần sang các khoản vay không dùng tiền mặt (hiện nay chiếm chưa đến 30% dư nợ).

Với kế hoạch này, các khoản cho vay xe máy và điện thoại điện máy dự kiến sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, cùng với việc ra mắt thẻ tín dụng dự kiến trong năm 2020.

VDSC cho rằng nỗ lực tái cơ cấu này có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng và tỉ lệ thu nhập lãi thuần của MCredit trong dài hạn nhưng hỗ trợ công ty kiểm soát chi phí dự phòng tốt hơn từ năm 2020 trở đi.

Khả năng phục hồi tăng trưởng cao từ hoạt động bancassurance của MBBank sẽ tương đối khó khăn - Ảnh 1.

Đối với các tác động của dịch bệnh trong năm 2020 lên chất lượng tài sản, VDSC cho rằng ngân hàng sẽ cần trích lập sẵn một số khoản dự phòng cho các khoản vay bởi khách hàng bị ảnh hưởng do dịch, mặc dù các khoản vay này có thể tạm thời được giữ nguyên nhóm nợ theo hướng dẫn của NHNN.

Do đó, VDSC nâng dự báo tăng trưởng dự phòng lên 36%. Với mức này, MB dự kiến có thể nâng tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu từ mức 110% hiện nay lên 125% vào cuối năm 2020.

Điều này vẫn dựa trên giả định của VDSC rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quí II/2020 và ngân hàng sẽ có thể phục hồi cho vay trong nửa cuối năm nhờ có các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Thu Hoài