|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kêu gọi doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản hợp tác, đầu tư tại Việt Nam

06:56 | 13/09/2016
Chia sẻ
Chiều 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp các lãnh đạo doanh nghiệp là thành viên Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai, Nhật Bản, do ông Shosuke Mori, Chủ tịch Liên đoàn dẫn đầu, cùng với hàng chục doanh nghiệp, ngân hàng lớn của Nhật Bản, sang làm việc, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
keu goi doanh nghiep nho va vua cua nhat ban hop tac dau tu tai viet nam
Ảnh: VGP/Thành Chung

Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai là vùng kinh tế lớn thứ hai của Nhật Bản, có phạm vi bao gồm 10 tỉnh, thành phố, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn là Osaka, Kobe, Kyoto, nơi chiếm ¼ tổng số doanh nghiệp của Nhật Bản (hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đóng tàu, tài chính…) và đóng góp vào ¼ tổng kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản- Việt Nam.

Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã tổ chức đối thoại với Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai để kết nối hợp tác, đầu tư giữa hai bên.

Ông Shosuke Mori cho biết Liên đoàn Kinh tế Kansai là tập hợp nhiều doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Với chuyến công tác này, Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chào đón đoàn tới thăm và làm việc tại Việt Nam, cho biết chủ trương của Việt Nam là phát triển bền vững ở 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không vì tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường. Việt Nam luôn ưu tiên, lựa chọn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công nghệ quản trị cao, hiện đại và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cũng sẽ không vì phát triển kinh tế “nóng” mà làm bất ổn kinh tế vĩ mô.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng với hơn 10 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và đã được ký kết, trong đó có Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương mà Nhật Bản cũng là một thành viên, thì các đối tác kinh tế của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất. Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư, xuất khẩu, Việt Nam cũng rất coi trọng việc phát triển thị trường nội địa và mong muốn các doanh nghiệp vùng Kansai nói riêng và Nhật Bản nói chung sẽ tìm được nhiều cơ hội hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có công nghệ sản xuất cao, hiện đại, tăng cường đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, với tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang thiếu hụt nguồn nhân lực có thể tiếp nhận các tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc để bù đắp sự thiếu hụt này.

“Ngoài ra, các ngân hàng lớn của vùng kinh tế Kansai cũng có thể đầu tư vào hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có cả các ngân hàng thương mại mà Nhà nước đang nắm giữ nhiều vốn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kêu gọi.

Với Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tác động tới giới chức Nhật Bản có chính sách sử dụng lao động Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động tại Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Shosuke Mori đều tin tưởng kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới sẽ là minh chứng cụ thể cho mối quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình, phồn vinh châu Á của Việt Nam- Nhật Bản mà lãnh đạo và nhân dân hai quốc gia đã xác lập.

Theo Thành Chung

Báo Chính Phủ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.