|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kết quả kinh doanh cải thiện, cổ phiếu dậy sóng, khó khăn đã qua với doanh nghiệp mía đường?

07:20 | 20/02/2020
Chia sẻ
Trong chưa đầy hai tuần giao dịch, các cổ phiếu mía đường đồng loạt dậy sóng với mức tăng giá hai con số, có mã tăng trên 40%.

Cổ phiếu mía đường "dậy sóng" trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm

Thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn đầu năm Canh Tý không mấy thuận lợi trong bối cảnh dịch bệnh virus covid-19 bùng phát. VN-Index lao dốc ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên đầu tiên của năm mới, thời điểm giảm sâu nhất đã chạm tới mức 891,95 điểm. 

Mặc dù ghi nhận sự hồi phục sau đó, chỉ số hiện vẫn lình xình quanh mốc 930 điểm, giảm hơn 6% so với thời điểm đầu năm. Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu mía đường sau thời gian dài bị bỏ quên bất ngờ trở thành điểm sáng của thị trường khi đồng loạt bứt phá, với mức tăng hai con số chỉ trong hơn một tuần giao dịch.

mía đường - Ảnh 1.

Cổ phiếu mía đường giao dịch bứt phá trong nửa tháng gần đây. Nguồn: VNDirect.

Với lợi thế biên độ rộng trên sàn HNX, cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La dẫn đầu cả nhóm với mức tăng hơn 40% từ 41.000 đồng/cp lên 59.900 đồng/cp, cùng thanh khoản đột biến so với giai đoạn trước Tết nguyên đán. Phiên giao dịch gần nhất (19/2), cổ phiếu này tăng kịch trần (9,9%).

Cũng trên sàn HNX, cổ phiếu KTS của Đường Kon Tum ghi nhận nhịp bứt phá 42,3% từ 7.800 đồng/cp lên 11.100 đồng/cp chỉ sau 7 phiên giao dịch, dù tăng giá sau các mã khác trong nhóm; trong đó có 5 phiên tăng trần.

Cổ phiếu SBT của "ông lớn" Thành Thành Công Biên Hòa tăng 22,2% từ 18.000 đồng/cp lên 22.000 đồng/cp, mức tăng không dễ đạt được của một mã nhóm VN30 trong 7 phiên giao dịch từ 11 - 19/2. Ngoài ra, cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn cũng tăng hơn 41% từ vùng đáy lịch sử dưới 4.500 đồng/cp lên 6.190 đồng/cp.

Động lực nào thúc đẩy nhóm cổ phiếu mía đường tăng giá?

Trên thực tế, các cổ phiếu mía đường bị thị trường bỏ quên đã lâu, phần vì thanh khoản chỉ mức thấp, mặc khác là những khó khăn mà các doanh nghiệp này đăng phải đối mặt.

Đa số cổ phiếu các cổ phiếu trong nhóm đều đang ở vùng giá thấp nhất trong lịch sử, ngoại trừ những tên tuổi lớn như Thành Thành Công hay Mía đường Sơn La. Việc các cổ phiếu mía đường dậy sóng diễn ra trong bối cảnh giá đường thế giới đang hồi phục mạnh kể từ quí III/2019.

Sau giai đoạn lao dốc 2017 - 2018 từ gần 24 cent/pound xuống 10 cent/pound (tương đương khoảng 12.200 đồng/kg xuống còn hơn 5.000 đồng/kg), giá đường đã có thời gian tạo đáy khá lâu.

Đến tháng 9/2019, giá đường thế giới bất ngờ tăng giá và duy trì xu hướng hồi phục đến thời điểm hiện tại. Tại ngày 19/2, giá đường ở mức 15,42 cent/pound (tương đương gần 8.000 đồng/kg), ghi nhận mức tăng hơn 50% từ đáy.

Kết quả kinh doanh cải thiện, cổ phiếu dậy sóng, khó khăn đã qua với doanh nghiệp mía đường? - Ảnh 2.

Giá đường thế giới trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguồn: Tradingeconomics.

Giá đường hồi phục đã tháo gỡ phần nào những khó khăn đối với các doanh nghiệp mía đường trong nước, khi kết quả kinh doanh đã có sự cải thiện đáng kể trong quí II niên vụ 2019 - 2020 (1/7/2019 - 30/6/2020).

Thành Thành Công Biên Hòa đạt doanh thu thuần 3.081 tỉ đồng trong quí vừa qua, kết quả này giảm nhẹ so với mức 3.135 tỉ đồng cùng kì năm trước. Dù vậy, doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đạt 6.261 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kì và đạt 57% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận gộp cũng cải thiện do giá vốn đã được cơ cấu tốt hơn.

Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 45 tỉ đồng, cao gấp 22 lần cùng kì năm ngoái; riêng trong quí II lãi sau thuế đạt hơn 9 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái lỗ gần 35 tỉ đồng.

Đối với Mía đường Sơn La, công ty ghi nhận doanh thu quí II tăng 31,5% lên 327,6 tỉ đồng; lãi sau thuế theo đó tăng 45,3% lên 21,8 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu tăng 8,2% lên 443,4 tỉ đồng; do kết quả giảm sút trong quí I, lợi nhuận sau thuế nửa đầu niên độ giảm nhẹ 2,5% xuống 35,4 tỉ đồng.

Mía đường Lam Sơn chứng kiến doanh thu quí II giảm nhẹ xuống 460 tỉ đồng, dù vậy nhờ tiết giảm giá vốn và doanh thu tài chính cải thiện, công ty báo lãi 8,7 tỉ đồng so với mức lỗ gần 14 tỉ đồng cùng kì năm trước. Theo đó, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đạt 9,3 tỷ đồng, trong khi cùng kì lỗ 13,4 tỉ đồng.

Đường Kon Tum cũng ghi nhận lợi nhuận bứt phá trong quí II với 2,2 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 891 triệu đồng cùng kì dù doanh thu giảm mạnh. Kết quả này có được nhờ biên lợi nhuận gộp tăng đột biến từ 2,7% lên 25,7%; theo đó công ty đã bù đắp được khoản lỗ trong quí I.

Kết quả kinh doanh cải thiện, cổ phiếu dậy sóng, khó khăn đã qua với doanh nghiệp mía đường? - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp mía đường đều ghi nhận lợi nhuận quí II niên độ 2019 - 2020 tăng trưởng so với cùng kì (đơn vị: tỉ đồng). Nguồn: Đan Nguyên, BCTC các doanh nghiệp.

Ngành đường vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt

Mặc dù được hưởng lợi từ việc giá đường thế giới hồi phục, ngành đường trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn thấp hay tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là đường lậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thư‌ơng mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ đầu năm 2020 dẫn đến thuế quan nhập khẩu đường khu vực ASEAN giảm về 0%, cũng tạo thêm áp lực với các doanh nghiệp nội.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường diễn ra ngày 18/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo đó, ngành mía đường phải tự đào thải nếu năng lực cạnh tranh yếu kém hơn các đồng nghiệp sản xuất mía đường trong ASEAN.

Trong một báo cáo vừa công bố, công chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, ngành đường Việt Nam năm 2020 sẽ gặp những thách thức như lượng đường giá rẻ từ Thái Lan sẽ tràn vào thị trường trong nước, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước có nhà máy công suất dưới 3000 tấn/ngày cũng không đủ sức cạnh tranh với đường Thái do chi phí sản xuất cao.

Theo BSC, năm 2020 sẽ là năm quan sát tác động của hiệp định ATIGA và WTO ảnh hưởng tới ngành đường, đồng thời kì vọng Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ cho ngành đường như chính sách mua giá ưu đãi của Thái Lan và Ấn Độ.

Đan Nguyên