|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

IPO Doanh nghiệp Nhà nước: 'Ngóng' nghị định mới!

09:39 | 16/04/2017
Chia sẻ
Bộ Tài chính đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Kỳ vọng nghị định này được ban hành sẽ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, giải quyết tồn tại về đấu giá, bán cổ phần.

IPO doanh nghiệp Nhà nước quí 1: khá chậm chạp

Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong quí đầu năm nay diễn biến khá chậm chạp. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì số DNNN tiến hành IPO qua sàn này trong ba tháng đầu năm chỉ là bốn doanh nghiệp.

Đó là: Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Bắc Ninh (vốn điều lệ 375 tỉ đồng, chào bán 1,5 triệu cổ phiếu, bán hết số cổ phiếu chào bán này); Công ty cổ phần Công trình giao thông Điện Biên (vốn điều lệ 15,4 tỉ đồng, chào bán 1,1 triệu cổ phiếu, số lượng bán được là 1 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH một thành viên Haprosimex (vốn điều lệ 120 tỉ đồng; chào bán 3,8 triệu cổ phiếu, số lượng bán được chỉ là 30.000 cổ phiếu); Công ty TNHH một thành viên 185 (vốn điều lệ 41,8 tỉ đồng; chào bán 1,4 triệu cổ phiếu, số lượng bán được chỉ là 291.000 cổ phiếu).

Còn trên sàn HSX, các doanh nghiệp tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu trong ba tháng qua gồm có: Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn (bán được 4,9 triệu cổ phần thu về gần 50 tỉ đồng); Công ty TNHH một thành viên Thương mại du lịch Kiên Giang (bán được 5,2 triệu cổ phần, thu về 58 tỉ đồng). Như vậy, có thể thấy số lượng các doanh nghiệp IPO lẫn quy mô vốn nhà nước bán được trong các phiên đấu giá này còn ở mức khiêm tốn.

Trong khi đó, tình hình thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cho thấy những tín hiệu khởi sắc hơn. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong quí 1, các đơn vị đã thoái được phần vốn có tổng giá trị 3.072 tỉ đồng, thu về 14.236 tỉ đồng. Trong đó, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 15 doanh nghiệp với giá trị 1.333 tỉ đồng, thu về 12.139 tỉ đồng. Đáng chú ý, riêng phần vốn SCIC thoái tại Vinamilk đạt giá trị 783 tỉ đồng, thu về 11.286 tỉ đồng (chiếm 93%).

Trong vòng ba quí tới, có khá nhiều các đợt IPO DNNN đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Đó đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, lợi thế cạnh tranh cũng không nhỏ, thậm chí là có thị phần áp đảo trong ngành.

Có thể kể ra khá nhiều nguyên nhân khiến cho tiến trình cổ phần hóa các DNNN hiện nay còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất đó là do cầu trên thị trường chứng khoán trong một số thời điểm không thật sự thuận lợi.

Thứ hai là do công tác thông tin, giới thiệu tới nhà đầu tư còn chưa tốt khiến các đợt IPO chưa thu hút.

Thứ ba là do tỷ lệ Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối sau cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp còn lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.

Thứ tư, mức giá đấu đưa ra chưa phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư, dẫn đến tỷ lệ bán được thấp. Và cuối cùng là tâm lý “ngại thay đổi”, sợ áp lực giải trình và minh bạch của những người đứng đầu doanh nghiệp cần cổ phần hóa. Để khắc phục vấn đề này, từ nhiều năm nay, chủ trương xử lý người đứng đầu các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa đã được đặt ra. Tuy vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp chưa cổ phần hóa còn khá nhiều song rất ít cá nhân bị xử lý vi phạm.

Sẽ có nghị định mới về cổ phần hóa

Trên thực tế, một phần lý do khiến một số doanh nghiệp trì hoãn cổ phần hóa trong thời gian qua là vì họ chờ nghị định mới thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo nghị định mới là bổ sung thêm phương thức bán cổ phần lần đầu. Hiện tại, bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo ba phương thức: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp.

Dự thảo nghị định mới bổ sung thêm một phương thức là dựng sổ. Phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng. Đây được đánh giá là phương thức có nhiều ưu điểm, được sử dụng phổ biến trên thế giới do mức giá được đưa ra sát với cung - cầu thực tế, giúp tăng khả năng thành công của các đợt chào bán.

Ngoài ra, Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg được ban hành vào cuối năm ngoái cũng đã cung cấp cho nhà đầu tư một danh sách khá đầy đủ bao gồm 240 doanh nghiệp thuộc diện phải IPO, giảm tỷ lệ sở hữu vốn do Nhà nước nắm giữ trong giai đoạn 2016-2020.

Theo danh sách này, có 103 DNNN Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ; bốn DNNN Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 DNNN Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 DNNN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Ba ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (bao gồm: Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)); tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Khuôn khổ pháp lý được sửa đổi cùng danh sách cụ thể các doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa từ nay đến năm 2020 là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tiến trình cổ phần hóa giai đoạn tới. Dù kết quả IPO trong quí 1 vừa qua là khá khiêm tốn và chưa tương xứng như kỳ vọng, tuy nhiên đây mới là quí đầu năm (vốn chưa phải là thời điểm nước rút cho công tác cổ phần hóa trong năm).

Nhìn xa hơn trong vòng ba quí tới, có khá nhiều các đợt IPO DNNN đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Đó đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, lợi thế cạnh tranh cũng không nhỏ, thậm chí là có thị phần áp đảo trong ngành như Petrolimex (dự kiến sẽ IPO trong tháng 4), PV Oil (dự kiến quí 2), Vinafood 2 (dự kiến quí 2), tập đoàn Cao su (dự kiến quí 3)... Với sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, tiến trình cổ phần hóa được kỳ vọng sẽ sớm tăng tốc và đạt được nhiều thành quả trong thời gian còn lại của năm 2017.

Đăng Linh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.