|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Intel 'đánh mất hợp đồng chip 30 tỷ USD vào tay AMD'

08:11 | 18/09/2024
Chia sẻ
Intel được cho là mất hợp đồng thiết kế và sản xuất chip PlayStation 6 vào tay AMD năm 2022, bỏ lỡ nguồn doanh thu ước tính 30 tỷ USD.

Reuters trích dẫn ba nguồn tin nội bộ cho biết bộ phận đúc chip của Intel năm 2022 đấu thầu với Sony nhằm cung cấp chip cho máy chơi game PlayStation 6, dự kiến ra mắt năm 2027. Đối thủ còn lại là Advanced Micro Devices (AMD) sau khi Broadcom bị loại.

Logo Intel tại triển lãm Computex 2024 ở Đài Bắc hồi tháng 6/2024. Ảnh: Khương Nha

Năm 2021, Intel Foundry - nhà máy sản xuất chip theo hợp đồng - bắt đầu vận hành. Thông thường, PlayStation của Sony sẽ được tiêu thụ hơn 100 triệu máy trong 5 năm. Với số lượng đó, nhà sản xuất có thể đạt lợi nhuận, nhưng biên độ lợi nhuận ước tính thấp hơn 50% so với sản xuất chip AI. Bù lại, doanh nghiệp sẽ có nguồn tiền ổn định do đặc thù của việc bán máy chơi game kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên theo hai nguồn tin, tranh cãi về lợi nhuận Intel sẽ được hưởng từ mỗi chip bán cho Sony đã diễn ra, khiến hai bên không đạt được thỏa thuận chung. Các cuộc thảo luận kéo dài nhiều tháng trong năm 2022, gồm hàng loạt cuộc họp giữa các CEO của hai công ty, hàng chục kỹ sư và giám đốc khác.

Tương tự Google hay Amazon, Sony dựa vào các nhà cung cấp giàu kinh nghiệm bên thứ ba để sản xuất chip PlayStation. Nhưng khác với các chip khác, vi xử lý cho máy chơi game console phải đảm bảo khả năng tương thích với phiên bản trước của hệ thống, từ đó cho phép người dùng cài đặt các trò chơi cũ hơn trên phần cứng mới.

Hiện chip trên PlayStation chủ yếu do AMD phát triển. Nếu chuyển qua Intel, nó có thể mất khả năng tương thích ngược. Đây cũng là chủ đề thảo luận giữa kỹ sư và giám đốc của Intel và Sony. Đảm bảo khả năng tương thích ngược với phiên bản trước của PlayStation sẽ tốn kém và cần nhiều nguồn lực kỹ thuật và được cho là một trong những lý do Intel từ chối Sony.

Cuối cùng, AMD giành được hợp đồng sản xuất chip PlayStation 6. Một nguồn tin nói Sony có thể "bơm" khoảng 30 tỷ USD cho Intel trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng nếu cả hai ký kết. Quan trọng hơn, việc bắt tay với Sony sẽ giúp Intel Foundry thu hút thêm nhiều khách hàng mới.

Sau bài báo của Reuters, đại diện Intel nói: "Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với mô tả này, nhưng không bình luận về bất kỳ câu chuyện nào với khách hàng hiện tại hoặc khách hàng tiềm năng".

Sony và Broadcom chưa phản hồi, còn AMD từ chối bình luận.

Theo CNBC, Intel đang gặp nhiều khó khăn và dần "mất hào quang" trong ngành chip. Công ty đã để rơi lợi thế sản xuất chip vào tay TSMC, trong khi bị các đối thủ như AMD vượt mặt. Trên mặt trận AI, hãng cũng bị Nvidia bỏ xa.

Intel hiện cũng là cổ phiếu công nghệ tệ nhất trong S&P 500, với mức giảm 37%. Từng là công ty chip giá trị nhất ở Mỹ, vốn hóa của hãng giờ bằng 1/16 Nvidia và thấp hơn Qualcomm, Texas Instrument và AMD. Đầu tháng trước, công ty sa thải 17.500 nhân viên.

Giới chuyên gia đánh giá Intel đã mắc nhiều sai lầm những năm qua. Họ bỏ lỡ làn sóng chip di động khi iPhone ra mắt năm 2007 và đứng ngoài cuộc đua AI khi các công ty công nghệ như Meta, Microsoft và Google đặt hàng số lượng lớn chip từ Nvidia.

Bảo Lâm

TS Cấn Văn Lực: Fed hạ lãi suất không chỉ giúp ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam
Khi lãi suất đồng USD giảm sẽ không chỉ giúp Việt Nam ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.