Indonesia trả lại các container rác thải nhập khẩu từ Mỹ
Trước Indonesia, quốc gia láng giềng Malaysia hồi tháng trước tuyên bố sẽ trả lại hàng trăm tấn rác thải nhựa được chuyển vào nước này. (Nguồn: AFP)
Indonesia đã đưa 5 container chứa rác thải trở lại Mỹ và tuyên bố sẽ không để nước này trở thành một "bãi rác."
Trao đổi với báo giới ngày 15/6, ông Sayid Muhadhar, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Môi trường Indonesia, cho biết những container trên chứa đầy rác sinh hoạt như chai lọ, rác thải nhựa và tã giấy, thay vì chỉ chứa giấy phế liệu theo quy định.
Ông Muhadhar nhấn mạnh: "Điều này là không phù hợp và Indonesia không muốn trở thành một bãi rác thải."
Theo quan chức trên, các container này thuộc sở hữu của một công ty Canada và đã được vận chuyển từ thành phố Seattle của Mỹ tới Surabaya - thành phố lớn thứ hai của Indonesia vào cuối tháng Ba vừa qua.
Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc xuất xứ của số rác thải này.
Giới chức Indonesia hiện đang tiến hành kiểm tra nhiều container khác tại các cảng ở thủ đô Jakarta và thành phố Batam trên đảo Sumatra.
Trước Indonesia, quốc gia láng giềng Malaysia hồi tháng trước tuyên bố sẽ trả lại hàng trăm tấn rác thải nhựa được chuyển vào nước này.
Chính phủ Philippines cũng đã ra lệnh đưa hàng tấn rác thải, được nhập khẩu vào nước này dưới “nhãn” nhựa để tái chế, trở lại Canada, đẩy mối quan hệ giữa hai nước vào tình trạng căng thẳng.
Ngày 31/5, một tàu chở hàng của Philippines đã rời Vịnh Subic - một căn cứ hải quân cũ của Mỹ và hiện là cảng trung chuyển hàng hóa phía Tây Bắc thủ đô Manila, bắt đầu hành trình đưa 69 container chứa rác thải về lại Canada.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nhận một lượng lớn rác thải nhựa từ khắp các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, năm 2018, Bắc Kinh đã quyết định không nhận rác thải từ nước ngoài nhằm làm sạch môi trường.
Do đó, một lượng lớn rác thải nhựa đã được đưa sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Philippines.
Theo ước tính của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm.
Rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang trở thành một vấn nạn môi trường của thế giới.