IMF hối thúc nỗ lực chung tái thiết nền kinh tế toàn cầu
Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, người đứng đầu IMF nêu rõ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu là "một cuộc khủng hoảng phức tạp hơn những gì chúng ta từng trải qua, với những cú sốc liên tiếp giáng vào sức khỏe và các nền kinh tế của chúng ta, theo đó đẩy đời sống kinh tế của chúng ta vào tình trạng gần như kết thúc hoàn toàn".
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Georgieva, rất khó để dự đoán vì thế giới vẫn đang tìm hiểu cách thức hoạt động của virus SARS-CoV-2 và cách khống chế hiệu quả bệnh dịch COVID-19. Ngoài ra, bà cũng bày tỏ quan ngại về tác động của đại dịch đối với dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như kêu gọi các nước và các nhà hoạch định chính sách tránh những hạn chế thương mại, nhất là với thiết bị y tế. Chính vì vậy, bà kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động để chống đại dịch và tái thiết nền kinh tế toàn cầu.
Những tuần qua, các nhà kinh tế liên tục cảnh báo rằng đại dịch sẽ đẩy thế giới vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng vào những năm 30 của thế kỷ trước. Những dữ liệu kinh tế trên đã phản ánh mức độ thiệt to lớn do COVID-19 gây ra.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2020 đã giảm mạnh ở mức 4,8%, khi dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế hoạt động đầu tư và mua sắm. Đây là lần đầu tiên GDP của Mỹ giảm kể từ khi ghi nhận mức giảm 1,1% vào quý I/2014 và giảm theo quý mạnh nhất kể từ quý IV/2008, khi kinh tế nước này giảm 8,4%.
Trong khi đó, nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995.
Ngoài ra, IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2020 của châu Á sẽ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua, khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại “chưa từng có” đối với lĩnh vực dịch vụ của khu vực này. Kể cả kinh tế Trung Quốc, quốc gia đang bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế sớm hơn nhiều so với các nước khác, cũng chỉ có thể phục hồi chậm chạp, theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Trước đó, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này trong quý I/2020 đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019, lần giảm đầu tiên trong gần ba thập niên, do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Hoạt động dịch vụ bị đứt gãy là một mối lo lớn đối với chính phủ nhiều nước, khi hàng triệu người đang làm việc cho các ngân hàng, các công ty bán lẻ và trong ngành nhà hàng-khách sạn, làm gia tăng mối đe dọa từ tỷ lệ thất nghiệp leo thang đối với sự ổn định xã hội. Các nhà phân tích thuộc BofA Global Research ước tính, khoảng 7% số lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam có thể mất việc làm do tác động của dịch COVID-19. Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi dịch bệnh qua đi.
Các chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Oxford Economics đã lên tiếng cảnh báo đại dịch toàn cầu này có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đầu tư, thương mại và du lịch suy giảm nghiêm trọng ...
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết việc nhiều quốc gia ban hành các lệnh phong tỏa kinh tế-xã hội trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã “giáng đòn mạnh” lên hoạt động du lịch thế giới, với ước tính sẽ suy giảm 45% trong năm nay.