|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

HoREA kiến nghị sửa quy định về thu hồi đất cho dự án vì lợi ích quốc gia

15:45 | 26/07/2017
Chia sẻ
Hiệp hội bất động sản TP HCM đề xuất sửa luật liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định đấu giá quyền sử dụng đất dự án. Những nội dung này thuộc điều 62, điều 40 và điểu 145 Luật Đất đai 2013.
horea kien nghi sua quy dinh ve thu hoi dat cho du an vi loi ich quoc gia

HoREA kiến nghị sửa đổi hàng loạt nội dung Luật đất đai 2013 liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định đấu giá quyền sử dụng đất dự án.

(Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có hàng loạt kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, trong đó có nội dung đề xuất về cơ chế cụ thể để thực hiện quy định “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” và quy định đấu giá quyền sử dụng đất dự án.

Cụ thể, theo điều 62 Luật Đất đai, nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (xây khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội...). Tuy nhiên thực tế, nhiều dự án nhà ở thuộc diện chỉnh trang đô thị nhưng doanh nghiệp vẫn phải tự giải phóng mặt bằng (GPMB), có dự án đã bồi thường đến 98% diện tích đất, nhưng phần còn lại không thể thương lượng bồi thường để triển khai (phần lớn do chủ đất đòi bồi thường với giá cao phi lý)... Hiện nay. TP HCM có khoảng 500 dự án tạm ngưng triển khai, phần lớn trong số đó là do vướng GPMB.

Hiệp hội kiến nghị sửa đổi điều 62 Luật Đất đai để xác định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh khi công bố các khu vực chỉnh trang đô thị được thực hiện cơ chế nhà nước thu hồi đất, tránh tình trạng người có đất lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của hệ thống pháp luật để khiếu kiện kéo dài.

Một nội dung khác là khoản (4.c) điều 40 Luật Đất đai quy định: "Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh".

HoREA đề nghị giao cho "tổ chức phát triển quỹ đất" thực hiện GPMB, sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Việc này vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất minh bạch; người có đất được bồi thường thỏa đáng; vừa tạo được nguồn thu ngân sách rất lớn; khắc phục tình trạng khiếu kiện đông người trong công tác bồi thường hiện nay.

Công văn cũng nêu nội dung kiến nghị giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND cấp tỉnh thu hồi đất các dự án được bổ sung giữa hai kỳ họp HĐND bởi thực tế HĐND cấp tỉnh mỗi năm thường chỉ họp hai lần. Nội dung này là sửa đổi khoản 3 điều 62 Luật Đất đai và khoản 8 điều 2 Nghị định 01/2017 của Chính phủ.

Tại khoản 8 điều 2 Nghị định 01 nói trên quy định: "Trường hợp có bổ sung dự án, công trình mà phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua trước khi UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận cho phép để thực hiện và cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện của năm tiếp theo".

Ngoài ra, HoREA còn ý kiến làm rõ khái niệm "đất xây dựng khu chung cư" tại khoản 1 điều 145 Luật Đất đai trong trường hợp xây dựng lại chung cư cũ có mở rộng diện tích khuôn viên là đất ở .

Luật Đất đai cũng cần bổ sung chế định: "Chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án, kể cả phần diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng". Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhất là tại Hà Nội và TP HCM.

Theo khoản 1 điều 145 Luật Đất đai quy định: "Đất xây dựng khu chung cư gồm đất để xây dựng nhà chung cư, xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho đời sống của những hộ gia đình trong nhà chung cư và các công trình phục vụ cộng đồng theo quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".

Linh Lê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.