|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hơn 77% đại biểu quốc hội đồng ý 'cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ'

14:53 | 16/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 17h ngày 28/5/2020, Ban Thư kí Quốc hội đã nhận được 409 phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội. Kết quả có 317 đại biểu đồng ý qui định, tương đương 77,51%.

Theo thông tin từ Quốc Hội, trên cơ sở kết luận của Đoàn Chủ tịch tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 26/5/2020, Tổng Thư kí Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Tính đến 17h ngày 28/5/2020, Ban Thư kí đã nhận được 409 phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội. Kết quả có 317 đại biểu đồng ý qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ (chiếm 77,51% và 91 đại biểu tán thành phương án không qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp khác. Có đại biểu đề nghị có qui trình thực hiện dịch vụ này để các doanh nghiệp hoạt động theo các qui định phù hợp pháp luật.

Có trường hợp đề nghị không có hình thức này trong Luật Đầu tư, các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ... cho nên không cần hình thức này trong Luật Đầu tư tạo ra một hành vi "đòi nợ" trái pháp luật, một số đại biểu cho rằng không quản lí được thì "cấm" là không chính xác.

Còn có ý kiến lại cho rằng không cấm nhưng đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ" để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, đi kèm với đó là những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lí, chế tài, xử lí nghiêm minh theo qui định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Chính phủ cần qui định rõ những biện pháp, hành vi không được làm (cấm).

Dịch vụ đòi nợ nằm trong 12 ngành nghề được Chính phủ đề xuất bãi bỏ trong Luật Đầu tư để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lí nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Theo ý kiến của các bên đề xuất quan hệ vay - nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án… Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

Tuy nhiên khi thực hiện thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lí nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Trúc Minh

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.