Hơn 415.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đã giải ngân 9 tháng đầu năm
Theo báo cáo mới công bố từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 9 đạt hơn 63.900 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
9 tháng năm 2023 đầu năm, vốn thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 415.500 tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm (kế hoạch Thủ tướng giao là 707.000 tỷ đồng) và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 56% và tăng 20,3%).
Hồi đầu tháng, trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết có thể đặt niềm tin sẽ giải ngân được số vốn đầu tư công lớn từ nay đến cuối năm. Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Thứ trưởng khẳng định mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay sẽ đạt được.
Đầu tư công hiện là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Giới chuyên môn cũng đánh giá động lực tăng trưởng những tháng cuối năm đến từ lĩnh vực này. Đây là yếu tố khơi thông các động lực khác của nền kinh tế, nhất là bất động sản hay xây dựng.
Tại hội thảo mới đây, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research nhận định lượng vốn này sẽ tạo ra sức cầu rất tốt cho nền kinh tế, đầu tư công là vốn mồi hỗ trợ cho các ngành nghề, lĩnh vực khác. Chính vì vậy, trong năm nay mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu như Chính phủ kỳ vọng nhưng vẫn ở mức khoảng 5-5,5%, tốt hơn nhiều các nền kinh tế trong khu vực.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, chưa khi nào Chính phủ quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay. Sau khi giải toả được yếu tố "sợ trách nhiệm" của các địa phương, có vẻ như giải ngân vốn đầu tư công ngày càng thuận lợi.
Các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế đang được Chính phủ tích cực tháo gỡ với quyết tâm rất lớn. Chính phủ còn dự kiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bằng việc kiểm soát lại toàn bộ mỏ vật liệu của các tỉnh.