|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hơn 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi phục hồi kinh tế đã đến tay người dân

22:15 | 18/05/2022
Chia sẻ
Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẩn trương giải ngân 2.335 tỷ đồng dành cho các chính sách tín dụng, đồng thời tiếp tục giải ngân các chương trình tín dụng khác.

Một trong 17 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc tại xã Giáp Đắt giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn vay chính sách của bà con nhân dân trở nên dễ dàng và thuận tiện. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Sáng 18/5 tại Hội nghị trực tuyến về Triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ diễn ra ở Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết đã giải ngân trên 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết.

Cụ thể, theo báo cáo của ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến.

Đồng thời cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đã ban hành ngay Kế hoạch thực hiện trên toàn hệ thống và tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP trong tháng 2/2022.

Đối với 7 nhiệm vụ được Chính phủ phân công triển khai trong Chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để các chính sách sau khi được ban hành sớm triển khai trong thực tiễn.

"Thực tế, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng chỉ sau thời gian chính sách ban hành được gần 1 tháng. Đồng thời, tiếp tục giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng khác và đạt kết quả tích cực," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

 

Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần xác định vai trò của tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và là công cụ hữu hiệu trong việc điều phối các nguồn lực xây dựng phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo tại các địa phương.

Vì vậy, để các chính sách sớm được triển khai thực hiện trong thực tiễn theo tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ.

Trước đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.

Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Song song với đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất.

Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước.

Lê Phương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.