Hòa Phát xuất khẩu 6.000 tấn thép đầu tiên từ Dung Quất đi Nhật Bản
Lô hàng được sản xuất với mác thép SAE theo tiêu chuẩn ASTM (Mỹ), xuất bán cho đối tác lâu năm của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tại Nhật Bản. Đơn hàng được chia làm 2 tàu, sau khi bốc xếp hàng xong cho tàu đầu tiên, dự kiến ngày 25/5, Hòa Phát sẽ tiếp tục xếp hàng lên tàu thứ 2. Hai tàu này sẽ cập bến 4 cảng của Nhật để giao hàng cho đối tác.
Trước đó, các lô hàng xuất khẩu của thép Hòa Phát thường được xuất phát từ cảng sông của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương ra cảng Hải Phòng. Giờ đây, các lô hàng xuất khẩu đi Nhật Bản hay thị trường khác có thể xuất khẩu trực tiếp từ cảng Hòa Phát Dung Quất mà không cần qua cảng trung chuyển nào.
Ảnh: Hòa Phát.
Nhật Bản là thị trường khó tính với các tiêu chuẩn và đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, xuất khẩu thép cuộn sang Nhật chứng tỏ sức cạnh tranh cao của thép xây dựng Hòa Phát tại thị trường này.
Năm 2018, xuất khẩu thép xây dựng sang thị trường Nhật Bản đã tăng đột biến với các đơn hàng toàn bộ là thép cuộn chất lượng cao, tăng 20 lần so với năm 2017. Ước tính 5 tháng đầu năm 2019, Hòa Phát đã xuất tổng cộng 22.000 tấn thép sang thị trường Nhật Bản.
Ảnh: Hòa Phát.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi được thiết kế với công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Dự án có tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu 52.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư tài sản cố định là 40.000 tỉ đồng , vốn lưu động 12.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/3 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết trong quá trình đầu tư, chi cho tài cố định được điều chỉnh lên thành 50.000 tỉ đồng, chi cho vốn lưu động 15.000 tỉ đồng, tức tổng cộng tăng thêm khoảng 13.000 tỉ đồng.
Trong số này, vốn tự có của Tập đoàn Hòa Phát khoảng 25.000 tỉ đồng. Đến cuối tháng 3, Tập đoàn đã giải ngân khoảng 35.000 tỉ đồng.
Để thực hiện Dự án nhà máy thép Dung Quất này, Hòa Phát đã kí hợp đồng vay 20.000 tỉ đồng (số làm tròn) trong đó khoảng 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và khoảng 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Kì hạn vay 7 năm, ân hạn 2 năm.
Trả lời câu hỏi tại Đại hội cổ đông năm 2019, Giám đốc Tài chính của Hòa Phát cho biết lãi suất gói vay cho Dung Quất nằm trong khoảng 7,5% - 9%/năm; công thức tính cụ thể là Bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM nhà nước + 2,5%.