|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hiện tượng lạ đối với tiền đồng của Việt Nam

14:35 | 06/09/2019
Chia sẻ
Theo VDSC, sự ổn định của VND trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá là hiện tượng rất hiếm khi xảy ra do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Hiện tượng lạ đối với đồng tiền của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn:TTXVN)

Theo dữ liệu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến hết tháng 8, tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi so với giai đoạn đầu năm. 

 Trong khu vực ASEAN, tiền đồng (VND) của Việt Nam và Balt (THB) của Thái Lan là hai đồng tiền duy nhất đứng yên hoặc tăng giá so với USD trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá và chạm gần ngưỡng 7,2 CNY/USD.

"Đây là hiện tượng rất hiếm khi xảy ra đối với VND do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc", VDSC nhận định.

Hiện tượng lạ đối với đồng tiền của Việt Nam - Ảnh 2.

Theo ghi nhận của VDSC, thanh khoản USD trên hệ thống ngân hàng chưa có dấu hiệu căng thẳng trong khi khoảng chênh lệch lãi suất qua đêm VND với USD ở mức an toàn. Ở góc nhìn thị trường, VDSC cho rằng yếu tố tương quan giữa các đồng tiền trong khu vực ở giai đoạn hiện tại đang giảm mạnh do sự phân hoá về nền tảng kinh tế vĩ mô giữa các quốc gia.

Ở trong nước, VDSC nhấn mạnh hai yếu tố gồm năng lực sản xuất trong nước gia tăng giúp giảm áp lực huy động ngoại tệ để nhập khẩu hàng tiêu dùng và nguồn ngoại tệ sử dụng để nhập hàng hoá trung gian và sản xuất hàng xuất khẩu vẫn khá dồi dào. Do đó, cung – cầu ngoại tệ ở góc độ này cũng khá cân bằng.

Liên quan tới thị trường ngoại hối, VDSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rất quyết liệt giải quyết tình trạng đô la hoá bằng việc chuyển quan hệ vay - mượn sang mua -bán ngoại tệ.

Theo đó, kể từ ngày 31/9, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ để phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. 

Các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn với nhu cầu và điều kiện tương tự cũng đã chấm dứt kể từ 31/3/2019.

Theo VDSC, dưới góc độ điều hành chính sách, khi nền kinh tế càng hội nhập với thế giới, công tác chống đô la hoá càng cần đẩy mạnh để giảm thiểu tác động lan toả từ biến động bên ngoài nền kinh tế. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất hàng trong nước, chi phí vay vốn chắc chắn sẽ lớn hơn do lãi suất vay tiền VND (6,0 - 8,0%/năm) cao hơn lãi suất vay tiền USD (2,8 - 4,7%/năm).

Hạ Du