|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hầu hết dự án BT sai phạm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng

09:42 | 21/05/2019
Chia sẻ
Kết quả kiểm toán 7 dự án BT (xây dựng – chuyển giao) trong năm 2018 của KTNN cho thấy hầu hết các dự án này đều dính sai phạm. Trong đó có dự án chống ngập ở TP HCM gây thất thoát ngân sách gần 282 tỉ đồng.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 7 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) năm 2018 đối với niên độ 2017 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội nêu rõ: "Hầu hết dự án chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh, đề xuất dự án không thông qua hội đồng nhân dân, lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN) lớn; thương thảo, ký hợp đồng chưa đảm bảo quy định, điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ"

Hầu hết dự án BT sai phạm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) ký hợp đồng sai gây thất thoát ngân sách 282 tỉ đồng. Ảnh: Zing.vn

KTNN chỉ đích danh vi phạm trong dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Hợp đồng dự án này được ký sai quy định, gây thất thoát ngân sách 282,92 tỉ  đồng.

Không chỉ ký sai hợp đồng thực hiện mà việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật đất đai; việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án và có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa giao đất; việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án dễ dẫn đến thất thoát NSNN.

Ngoài ra, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN.

Cụ thể, KTNN chỉ rõ sai phạm của dự án Khu đô thị mới Xuân Phương trong việc xác định giá đất. Mặc dù Hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết Hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng. Nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007 và Thông tư số 36/2014 nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỉ  đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỉ  đồng.

Theo KTNN, các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện; tính lãi vay trên phần vốn không phải đi vay vào quyết toán không theo quy định hợp đồng; xác định lãi vay chưa chính xác; sử dụng vốn dự án thanh toán một số chi phí chưa phù hợp quy định. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ  đồng, trong đó có dự án tỉ  lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Dự án ĐTXD tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỉ đồng). Được biết, năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ  đồng tại 30 dự án).

V.Dũng