|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng tỉ USD đổ vào thị trường bán lẻ

08:21 | 01/03/2019
Chia sẻ
Hàng loạt tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước gia tăng đầu tư hoặc mở rộng hoạt động tại VN khiến thị trường bán lẻ, mặt bằng bán lẻ "nóng" lên.
Hàng tỉ USD đổ vào thị trường bán lẻ - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ VN tăng trưởng nóng, thu hút các tập đoàn bán lẻ trong, ngoài nước NGUỒN: TỔNG CỤC THỐNG KÊ, BỘ CÔNG THƯƠNG - ẢNH: ĐỘC LẬP - ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Xóa rào cản, bán lẻ bùng nổ

Trong buổi gặp Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cách đây 3 ngày, ông Masaki Suzuki - Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) - cho biết tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư khoảng 5 tỉ USD để mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn và dự kiến tạo ra 50.000 việc làm cho lao động trong nước.

Ông Masaki Suzuki nhấn mạnh Aeon coi VN là địa bàn đầu tư trọng điểm của tập đoàn này tại Đông Nam Á. Trước đó không lâu, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới IKEA (Thụy Điển) cũng có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 450 triệu euro. Hệ thống này đi vào hoạt động sẽ cung ứng hàng cho toàn bộ thị trường Đông Nam Á.

Những ngày đầu năm nay, Watsons - chuỗi bán lẻ đồ dùng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp lớn nhất châu Á, có trụ sở tại Hồng Kông - cũng đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Lùi lại thời điểm cuối năm 2018, Tập đoàn bán lẻ Sumitomo của Nhật và Tập đoàn BGR ra mắt liên doanh Fujimart Vietnam Retail và mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội.

Đại diện Sumitomo chia sẻ, tuy lĩnh vực bán lẻ rất cạnh tranh, nhưng kinh tế vĩ mô VN gần đây cho thấy thị trường này vẫn đang tăng trưởng ở mức hai con số. Xu hướng đó vẫn tiếp tục bởi triển vọng kinh tế của VN rất tích cực. Mới tuần trước, công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ Muji từ Nhật thông báo đã quyết định thành lập Công ty TNHH Muji VN để phát triển kinh doanh.

Theo kế hoạch, công ty này sẽ có trụ sở chính tại TP.HCM và cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương vào đầu năm 2020. Hiện tại, thương hiệu này có 928 cửa hàng trên thế giới, trong đó 454 cửa hàng tại Nhật Bản.

Những động thái của các tập đoàn bán lẻ trong, ngoài nước cho thấy sức hút mãnh liệt của thị trường bán lẻ VN.

Hàng tỉ USD đổ vào thị trường bán lẻ - Ảnh 2.

ẢNH: CTV

Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen phát hành tháng 11.2018, năm vừa qua là năm thay đổi chưa từng có cho kênh thương mại hiện đại tại VN. Mặc dù kênh truyền thống bao gồm chợ vẫn chiếm ưu thế nhưng kênh hiện đại đã và đang đạt được nhiều cột mốc ấn tượng. Từ năm 2012, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp 4 lần và siêu thị mini dẫn đầu về tốc độ khai trương cửa hàng.

Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng đã mở rộng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong hai năm qua. Vì các nhà bán lẻ kênh thương mại hiện đại tiếp tục mở rộng và đầu tư vào việc cải thiện hệ thống cửa hàng để thu hút nhiều người mua hàng hơn nên triển vọng của kênh này trong tương lai sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa.

Nielsen cũng nhận định người mua hàng VN ngày nay đã dần ít đi vào chợ truyền thống, thay vào đó họ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc cá nhân, cửa hàng thuốc tây hiện đại và cửa hàng tạp hóa thường xuyên hơn. Thị trường bán lẻ VN cũng được Hãng A.T.Kearney xếp hạng là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ thứ 6 trên toàn cầu.

Đặc biệt, theo cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), VN bỏ hạn chế đối với việc “mở thêm điểm bán lẻ” sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các chuyên gia nhận định, việc xóa bỏ hoàn toàn rào cản trong lĩnh vực bán lẻ sau này sẽ khiến thị trường có thể chuyển sang giai đoạn bùng nổ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ngoại. Không chỉ có các nhà phân phối truyền thống, những tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba cũng sẽ nhanh chóng có mặt trực tiếp bởi thị trường VN có tốc độ tăng trưởng về tiêu dùng đứng đầu trong khu vực.

Bất động sản bán lẻ “nóng” theo

Thị trường bán lẻ nóng kéo theo thị trường bất động sản cho bán lẻ tăng nhiệt. Hàng loạt thương hiệu bán lẻ trong các lĩnh vực thời trang gồm Zara, H&M, Gap, Stradivarius, Pull&Bear, Massimo Dutti... và sắp tới là Uniqlo liên tục gia nhập và mở rộng kinh doanh tại VN cũng khiến cho mặt bằng bán lẻ trở nên “nóng” hơn.

Chia sẻ tại hội thảo “Tương lai của bán lẻ VN” do Công ty cổ phần Vincom Retail tổ chức sáng qua (28.2), bà Rebecca Pearson - Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á, cho biết tuy người Việt bắt nhịp rất nhanh với xu hướng mua bán trực tuyến (online) nhưng thực tế 80% doanh thu bán lẻ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tập trung ở các cửa hàng, không phải thông qua bán hàng trực tuyến.

Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trên thế giới vẫn không ngừng muốn gia tăng các cửa hàng bán trực tiếp, thuê địa điểm để mở rộng các chuỗi cửa hàng. Ngay cả sàn thương mại điện tử Amazon cũng phải có các cửa hàng để thu hút, tạo không gian cho khách hàng dễ dàng “tận mục sở thị”. Trang web mua hàng trực tuyến Honestbee đang mở rộng tại 16 quốc gia trong khu vực châu Á cũng có cửa hàng với diện tích sàn lên tới 3.000 m2.

“Trong bối cảnh có sự thay đổi mạnh mẽ về bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến như hiện nay, 90% những người mua sắm sẽ mua nhiều hơn khi đến tận cửa hàng nhận những món hàng đã đặt mua trực tuyến. Do đó, cần có sự kết hợp giữa offline và online. Khách hàng đến tận nơi, tiếp cận với sản phẩm sẽ tạo được những trải nghiệm khác biệt đối với các thương hiệu bán lẻ”, bà Pearson nói.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN, đánh giá vài năm trở lại đây, VN đã định hình một ngành công nghiệp bán lẻ với sự tăng trưởng ấn tượng, liên tục tăng trưởng 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP cả nước từ 1,5 - 2 lần.

Với thị trường hơn 90 triệu dân, người tiêu dùng trẻ, năng động và mức độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, ngành bán lẻ tại VN còn nhiều tiềm năng để phát triển. Bên cạnh đó, tỷ lệ của bán lẻ hiện đại còn khá thấp, chưa đạt mức 30% trên toàn ngành. Đây là không gian, là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ phát triển theo chuỗi. Vì vậy, việc phát triển thành chuỗi hệ thống là đích đến tất yếu của các nhà bán lẻ.

Nhu cầu của người tiêu dùng hiện rất khác, thay đổi theo xu hướng hội nhập, phát triển ngày càng hiện đại. Cộng thêm những tiến bộ về phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số và công nghệ di động thông minh, chắc chắn thị trường bán lẻ VN sẽ phải chuyển mình để đáp ứng. Trong đó, công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố tiên quyết để cạnh tranh trên thị trường.

Khẳng định mặt bằng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong lĩnh vực bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, xu hướng chung của các doanh nghiệp là lựa chọn các trung tâm mua sắm để phát triển cửa hàng vì có nhiều ưu thế hơn. Ví dụ, người thuê mặt bằng bán lẻ sẽ có được sự ổn định, không bị tình trạng đang làm ăn có lãi lại bị chủ nhà/đất kết thúc hợp đồng, đòi lại mặt bằng.

Bên cạnh đó, từ xưa tới nay việc “buôn có bạn, bán có phường” luôn mang lại hiệu quả nhất định và điều này vẫn đúng khi áp dụng với các thương hiệu bán lẻ. Các trung tâm thương mại không chỉ đồng bộ các loại mặt hàng mà còn là một điểm đến mang tính hoạt động cộng đồng, là nơi vui chơi, mua sắm của cả khu vực và đang có xu hướng mở rộng cả về các tỉnh, thành giáp ranh.

“Đặc biệt, các chủ đầu tư lớn, hùng mạnh như Vincom Retail, Vivo City, Aeon Mall... thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, hoạt động cộng đồng đem đến nhiều trải nghiệm cho người tiêu dùng và bản thân các nhà bán lẻ cũng được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động này”, bà Loan phân tích.

Cuộc đua mở chuỗi

Hiện Tập đoàn Vingroup sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất VN với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ trên toàn quốc. Kế hoạch nhà bán lẻ đưa ra đến năm 2020 là mở rộng 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi. Kế tiếp là chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động từ 405 cửa hàng, đặt mục tiêu nâng lên 500 vào cuối năm nay. Saigon Co.op có 100 siêu thị và vẫn liên tục mở thêm điểm bán.

Các hãng bán lẻ ngoại cũng rầm rộ bành trướng quy mô. Giữa tháng 11.2018, Tập đoàn Central Group (Thái), đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại VN đã khai trương Trung tâm thương mại GO!Mỹ Tho tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này cũng từng tuyên bố đổ thêm 500 triệu USD vào để mở 500 điểm bán lẻ tại VN trong 5 năm tới. Các "ông lớn" Aeon (Nhật), Lotte Mart (Hàn Quốc) đều có tham vọng sẽ mở rộng con số 20 siêu thị Aeon vào năm 2025 và 60 siêu thị Lotte Mart vào năm 2020 tại VN.

Eleven và GS25 vào VN cũng có kế hoạch mở cả nghìn cửa hàng trong vòng 10 năm tới. Chuỗi Family Mart đang có 130 cửa hàng tại VN cũng có kế hoạch mở 700 cửa hàng nữa vào năm 2020.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành và 189 trung tâm thương mại. Trong đó, TP.HCM sở hữu hệ thống phân phối lớn nhất nước với 204 siêu thị, 44 trung tâm thương mại, 2.300 cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối, 239 chợ truyền thống và gần 250 chợ tự phát.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 thị trường bán lẻ VN đạt doanh thu hơn 3,3 triệu tỉ đồng (gần 150 tỉ USD), tăng 12,4% so với năm trước. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 613.400 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Còn dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của VN đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường sẽ tăng gần 180 tỉ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, theo quy hoạch cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Mai Phương - Hà Mai

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.