|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng loạt thử thách vẫn 'đeo bám' nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới

11:54 | 21/02/2019
Chia sẻ
Chính phủ tương lai sau bầu cử của Thái Lan được khuyến cáo cần tập trung vào nghiên cứu và đưa ra các giải pháp dài hạn đối với chính sách phát triển gạo cũng như chương trình cam kết giá.


Chủ cơ sở dự trữ gạo bị truy tố trách nhiệm gây thiệt hại cho Chính phủ

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, các cơ sở dự trữ gạo trên toàn nước này tham gia chương trình dự trữ gạo của chính phủ cũ vào năm 2008 đang bị chính quyền mới truy tố trách nhiệm.

Nguyên nhân xuất phát từ chất lượng cơ sở hạ tầng dự trữ gạo không tốt, ảnh hướng đến chất lượng gạo, gây thiệt hại ước tính 300 tỉ baht. Lượng gạo kém chất lượng không sử dụng được cho người sau đó được dùng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu hoặc làm thức ăn gia súc.

con nhieu ton tai nganh gao thai lan can giai quyet
Còn nhiều tồn tại ngành gạo Thái Lan cần giải quyết

Tổ chức các kho dự trữ công (PWO) Thái Lan đã nộp danh sách các cơ sở dự trữ tham gia chương trình dự trữ gạo của chính phủ cũ tới Văn phòng Tư pháp của nước này.

Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra và công bố kết luận trong thời gian tháng 7 - 8/2019. Song song với đó, Cơ quan Chống tham Nhũng Quốc gia và Ủy ban Chống tham nhũng Khu vực Công Thái Lan cũng sẽ tiếp tục điều tra các vụ vi phạm của công chức nhà nước và doanh nghiệp.

Đạo luật gạo mới của Thái Lan bị phản đối

Tờ Bangkok Post cho hay theo dự thảo đạo luật mới, Cơ quan quản lý gạo Thái Lan sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra xem liệu các giống thóc người nông dân bán ra thị trường hoặc cho các nhà máy xay xát đã được đăng kí với cơ quan này hay chưa.

Tuy nhiên, các thành phần trong ngành gạo Thái Lan đã phản đối dự thảo Đạo luật gạo, vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của ngành này.

Tại một hội thảo chuyên đề được tổ chức hôm 11/2, ông Nipon Poapongsakon, một thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), cho biết dự thảo nhằm giảm rủi ro cho người nông dân và tạo ra một thế hệ mới cho ngành trồng trọt. Tuy nhiên, dự thảo này mang lại quyền lực lớn cho Chính phủ.

"Lo ngại chính về bản dự thảo là toàn bộ quyền lực được trao cho Cơ quan quản lý gạo, hiện chỉ được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) đối với các giống gạo và năng suất", ông Nipon nói.

Chính phủ Thái Lan cần tập trung phát triển chính sách gạo, định hướng dài hạn

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay chính phủ tương lai sau bầu cử của Thái Lan được khuyến cáo cần tập trung vào nghiên cứu và đưa ra các giải pháp dài hạn đối với chính sách phát triển gạo cũng như các chương trình cam kết giá.

Chính phủ quân sự của Thái Lan hiện mới chỉ tập trung vào các giải pháp ngắn hạn trong khoảng thời gian 4 năm nắm quyền.

Mặc dù hiện nay đã có các chính sách quản lý gạo dài hạn, tuy nhiên, cách thức thực hiện cân bằng giữa cung - cầu và tăng thu nhập người nông dân mới chỉ là các giải pháp ngắn hạn. Chính phủ cũng gặp khó khăn nâng giá gạo trong nước do giá gạo được quyết định bởi thị trường thế giới.

Nông dân Thái Lan đang thúc đẩy sản xuất, chủ yếu tại các khu vực có lượng nước đầy đủ. Chính phủ Thái Lan cũng đã thông qua và nỗ lực quảng bá chương trình megafarm (các trang trại lớn) bằng việc hỗ trợ mua sắm máy móc và trang thiết bị dành cho nông dân giúp hỗ trợ giảm chi phí và nâng cao hiệu suất.

Tuy nhiên, chương trình megafarm không tập trung vào cải thiện đất đai và phát triển nguồn cung cấp nước.

Theo ông Nipon Poapongsakorn, chính phủ nước này cần đánh giá những hạn chế của nông dân như thuê đất, phổ biến và hỗ trợ công nghệ, kiến thức nhằm giúp nông dân nắm được chi phí sản xuất cũng như năng lực trồng trọt.

Khoản ngân sách hiện này 200 tỉ baht sử dụng trong khoảng thời gian 2014 - 2018 nhiều hơn ngân sách Bộ Nông nghiệp & Hợp tác xã Nông nghiệp và gấp 3 lần ngân sách của Cục Thủy lợi Hoàng gia.

Mặc dù mức chi tiêu không ảnh hưởng đến thị trường gạo, tuy nhiên, làm giảm năng lực của nông dân trong dài hạn.

Trong một diễn biến khác, Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia của Thái Lan đã thông qua mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo trong năm 2019, giảm 1 triệu tấn so với mục tiêu xuất khẩu năm 2018.

Tính đến hết thời điểm 11/12, Thái Lan đã xuất khẩu 10,35 triệu tấn, xếp vị trí thứ hai sau Ấn Độ (11,37 triệu tấn). Việt Nam xếp vị trí thứ ba với 6,06 triệu tấn.

Đức Quỳnh