|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng không suy yếu, du lịch - dịch vụ - đầu tư sẽ sụt giảm

09:10 | 06/07/2020
Chia sẻ
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng nếu Chính phủ không có hỗ trợ phù hợp cho ngành hàng không, nguy cơ phá sản hoặc tái lập trạng thái độc quyền sẽ hiển hiện và gây hậu quả dây chuyền tới nền kinh tế.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một trong những định hướng chủ đạo trong thời gian tới là giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập. Người đứng đầu chính phủ cho rằng, phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã" của nền kinh tế, là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Trong đó, những biện pháp để đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân đã được đưa ra như tiếp tục kích cầu du lịch nội địa, tiếp tục quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn của toàn cầu, giảm giá dịch vụ du lịch nhưng không giảm chất lượng.

Thực trạng hàng không: Lỗ vẫn phải bay

Liên quan tới một trong những biện pháp để đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân chính là kích cầu du lịch, TS Vũ Đình Ánh nhắc đến những ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 đến nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng.

Hàng không suy yếu, du lịch - dịch vụ - đầu tư sẽ sụt giảm - Ảnh 1.

Sự khó khăn của các hãng hàng không gặp phải do COVID-19 gây ra vẫn chưa có điểm dừng bởi các đường bay quốc tế vẫn chưa được mở trở lại. (Ảnh minh hoạ: Báo Thanh Niên).

Theo ông Ánh, sự khó khăn của các hãng hàng không gặp phải do COVID-19 gây ra vẫn chưa có điểm dừng bởi nguồn thu quan trọng của hàng không là khách quốc tế vẫn mù mờ do tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, khó lường và chưa biết khi nào Việt Nam mới mở bay quốc tế.

Hiện các hãng đều đã khôi phục tất cả các tuyến bay nội địa, số khách tháng 5 và tháng 6 tăng cao so với hai tháng trước đó. Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng ghế vẫn còn thấp hơn nhiều so với trước dịch. Đặc biệt giá vé máy bay thấp kỉ lục so với cùng kì các năm trước.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không, từ đầu năm đến nay có hãng đã tung ra 7 chương trình khuyến mãi, kích cầu giá vé từ 0 đến vài chục ngàn đồng.

Trong bối cảnh đang thua lỗ và gặp nhiều khó khăn, việc khuyến mại, kích cầu sâu, rộng kỷ lục như vậy các hãng chủ yếu chỉ nhằm giải quyết việc làm, trả lương cho lao động, trang trải một phần chi phí và quan trọng là để cùng đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Hưởng lợi của chương trình kích cầu này là ngành du lịch, khách hàng và nhà nước.

‘Bởi tuy mỗi vé hãng chỉ thu 0 hoặc vài chục ngàn nhưng khách vẫn phải trả thuế, phí hàng trăm ngàn đồng cho Nhà nước’, ông Nề nói.

Theo ông Nề, mỗi ngày Vietnam Airlines và Vietjet phải chi trên 100 tỉ đồng mỗi hãng để vận hành. Ước tính hai hãng lớn và hãng mới Bamboo đang cần khoảng 25.000 tỉ đồng vốn hoạt động. Do thiếu vốn, các hãng phải vay với lãi suất ngắn hạn để duy trì hoạt động.

Cần gói vay hỗ trợ lãi suất cho toàn ngành

Liên quan đến vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế, trao đổi với chúng tôi, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do COVID-19 gây ra.

Trong đó, ông Thành nhắc tới các hãng hàng không bởi đó là những doanh nghiệp qui mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách và đặc biệt là có sức lan tỏa sâu rộng trong nền kinh tế.

Hàng không suy yếu, du lịch - dịch vụ - đầu tư sẽ sụt giảm - Ảnh 2.

Các hãng hàng không bởi đó là những doanh nghiệp qui mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách và đặc biệt là có sức lan tỏa sâu rộng trong nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ: PLO).

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn có triển vọng hồi phục, bật dậy sau dịch như hãng hàng không, sẽ không những không làm lãng phí vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ mà còn tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách, giải quyết việc làm và khôi phục, phát triển kinh tế như nhiệm vụ cấp bách mà Thủ tướng đặt ra trong hội nghị ngày 2/7.

‘Đơn cử như Vietnam Airlines và Vietjet năm 2019 nộp ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng thuế, phí và giải quyết việc làm cho 27.000 người. Nếu họ khó khăn, thua lỗ mà không được hỗ trợ phù hợp thì thuế, phí họ nộp sẽ giảm, lao động mất việc, nhiều ngành như du lịch, dịch vụ, đầu tư… sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu họ hòa vốn hoặc có lãi thì Chính phủ có bù vài trăm đến một ngàn tỉ đồng lãi suất cho họ thì vẫn là khoản hỗ trợ - đầu tư hiệu quả’, ông Long phân tích.

Ông Long cũng đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế do Thủ tướng làm Trưởng ban. Trong đó xác định chống suy thoái kinh tế như chống giặc và cần triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, Chính phủ đã dành 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn với mức 4%/năm cho các doanh nghiệp. Nay, đại dịch COVID-19 có mức độ thiệt hại gấp nhiều lần khủng hoảng tài chính, Chính phủ càng cần hỗ trợ lãi suất nhiều hơn.

TS Vũ Đình Ánh cũng tán đồng quan điểm cần có gói hỗ trợ cho nền kinh tế và ngành hàng không nói riêng, nhưng nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ chung để tránh tình trạng phân biệt, tái hiện độc quyền.

"Theo tôi, Nhà nước cần sự hỗ trợ chung cho nền kinh tế, trong đó có tuỳ theo mức độ chịu tác động cũng như vai trò, hậu quả do COVID-19 gây ra. Từ đó có thể thấy, nếu không nhận được sự hỗ trợ thích đáng thì ngành hàng không sẽ gặp khó khăn rất lớn, tác động trực tiếp tới một ngành mũi nhọn là ngành du lịch.

Trên thế giới, cũng đã có nhiều hãng hàng không lớn nếu không nhận được gói cứu trợ từ Chính phủ thì sẽ phá sản. Việt Nam chỉ có vài hãng hàng không. Nếu xảy ra kịch bản xấu nhất đối với hãng hàng không nào đó thì đó đều là ảnh hưởng đầy tiêu cực tới thị trường hàng không của Việt Nam.

Và khi đó, rất có thể sẽ khiến thị trường hàng không quay trở lại trạng thái độc quyền như trước. Vì vậy việc hỗ trợ chung cho cả ngành là cần thiết, thay vì hỗ trợ riêng lẻ cho bất cứ một hãng hàng không nào", ông Ánh nói.

Ngày 26/5, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, tính đến giữa tháng 5/2020, các quốc gia trên thế giới đã cấp các khoản viện trợ có tổng giá trị lên tới 123 tỉ USD nhằm giúp các hãng hàng không có thể "sống sót" sau đại dịch COVID-19.

Theo IATA, các khoản hỗ trợ nói trên được phân bổ dưới dạng cho vay 50,4 tỉ USD, hỗ trợ việc làm 34,8 tỉ USD, cho vay có bảo đảm 11,5 tỉ USD hoặc theo hình thức bơm vốn 11,2 tỉ USD.

Tổng giám đốc IATA, ông Alexandre de Junia cho rằng các chính phủ không đáp ứng đủ nhanh hoặc chỉ với số lượng hạn chế, các vụ phá sản chắc chắc sẽ xảy ra.

Bích Thu