|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng chục nghìn doanh nghiệp báo lỗ triền miên để trốn thuế

20:33 | 28/04/2020
Chia sẻ
Hành vi gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, qui mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu thuế lớn.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam". 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hành vi trốn và tránh thuế có thể xảy ra ở mọi doanh nghiệp, cả các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều có động cơ trốn thuế như nhau.

Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2018, công tác thanh tra kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền thuế lên tới nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Đặc biệt, hiện tượng trốn và tránh thuế có xu hướng ngày càng gia tăng.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp báo lỗ triền miên để trốn thuế - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: KT)

Hành vi chuyển giá ngày càng phức tạp, tinh vi

Theo VEPR, mức thuế thất thu ước tính cho cả 3 khu vực doanh nghiệp (FDI, doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước) có thể dao động trong khoảng 13.300 – 20.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 6,4 – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp), gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp đa quốc gia trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2012 đến 2017, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI duy trì tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng doanh thu cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu (14%). 

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các doanh nghiệp FDI tăng hơn 19% so với năm 2016.

Tuy nhiên, có tới gần 10.600 doanh nghiệp FDI (trong tổng số 16.700 công ty) báo lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng. 

Thậm chí số liệu chỉ ra, hơn 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn (chiếm 16%) với trị giá vốn chủ sở hữu là âm (–85.604 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số này có gần 1.600 doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp này cũng cao. 

Điều đó cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp", nhóm chuyên gia thuộc VEPR nhận định.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là: thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…) hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...)

“Gần đây còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Mỗi năm, tổng số tiền mà ngân sách nhà nước ưu đãi cho các doanh nghiệp chiếm khoảng 5,5 – 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi thuế chiếm tới trên 80%”, đại diện VERP chỉ rõ.

So với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi hơn, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. 

Thậm chí, một số doanh nghiệp FDI còn được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Tỷ lệ thuế thu nhập được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI chiếm 76% trong tổng thuế thu nhập được miễn giảm.

Theo T.S Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trốn tránh thuế là hiện tượng phổ biến trong các nền kinh tế. 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đa quốc gia có cơ hội thuận lợi nhất để lẩn tránh thuế, họ thành lập rất nhiều chi nhánh ở nước ngoài, chuyển lợi nhuận ở nơi có mức thuế suất cao sang mức thuế suất thấp.

Thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước

Theo T.S Nguyễn Đức Thành, Cố vấn cao cấp của VEPR, hành vi gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu thuế lớn.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong giai đoạn 2010 – 2018, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế thu về hơn 35.900 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.000 tỷ đồng.

Trong suốt giai đoạn này, số doanh nghiệp vi phạm tăng mạnh, từ khoảng 31.700 doanh nghiệp (năm 2010) lên 103.200 doanh nghiệp (năm 2017) và 95.900 doanh nghiệp (năm 2018). Lượng giảm lỗ cũng tăng từ 10.800 tỷ đồng (năm 2010) lên trên 40.900 tỷ đồng (năm 2018)...

Theo Viện VEPR, dù Việt Nam đã nỗ lực củng cố hành lang pháp lý về quản lý thuế nhưng khung pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, và chưa theo kịp với thực tế diễn biến nhanh và phức tạp.

Việc các doanh nghiệp thực hiện nhiều thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để tránh thuế khiến cho Việt Nam thất thu một khoản lớn ngân sách đáng lẽ có được từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại diện VEPR cho rằng, Việt Nam cần có những điều chỉnh chính sách quan trọng để phòng và chống hành vi trốn và tránh thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp, đồng thời hướng tới một hệ thống ngân sách bền vững.

“Việt Nam nên nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống trốn và tránh thuế hiện đang áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. 

Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, tăng mức xử phạt, và nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ thuế cũng rất cần thiết nhằm đảm bảo việc tuân thủ thuế của các doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Để giảm động cơ trốn và tránh thuế qua kênh chuyển lãi vay trong dài hạn, đại diện VEPR cũng khuyến cáo Việt Nam nên có lộ trình thắt chặt tỷ lệ này đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nước trong việc phòng chống trốn và tránh thuế, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa vốn vay và vốn cổ phần như khuyến cáo của Mạng lưới Công bằng Thuế Toàn cầu.

Cẩm Tú