|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng chục cao ốc trên 1km đường, cửa ngõ Sài Gòn đang bị 'bóp nghẹt' như thế nào?

08:30 | 30/05/2019
Chia sẻ
Với vị trí thuận tiện di chuyển vào trung tâm, các cửa ngõ TP HCM là lựa chọn của rất nhiều chủ đầu tư phát dự án bất động sản (BĐS). Tuy nhiên tốc độ phát triển các dự án nhà ở đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa khiến 4 cửa ngõ chính vào trung tâm Sài Gòn đang bị "bóp nghẹt" bởi các tòa cao ốc.

Quận 2, quận 10, quận 7 và quận Tân Bình là 4 cửa ngõ Đông, Tây, Nam, Bắc cách trung tâm Sài Gòn khoảng 5 – 7km. Tuy nhiên thời gian trung bình để di chuyển từ các khu vực này vào trung tâm giờ cao điểm có thể lên đến gần 1 tiếng đồng hồ vì mật độ dân cư ở các khu vực này tăng lên quá nhanh. "Bi kịch đô thị" ở các cửa ngõ TP HCM đang hiển thị ngày một rõ nét với những con đường kết nối trung tâm "oằn lưng" gánh hàng chục cao ốc.

'Thành lũy tỷ đô' trấn cửa đông

Cầu Sài Gòn được xem là một trong những cầu nối khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) với trung tâm TP HCM. Tuy nhiên, người dân tại khu Đông di chuyển qua cầu Sài Gòn vào trung tâm thành phố rất khó khăn, dù khoảng cách chỉ hơn 1 km.

Ngay chân cầu Sài Gòn hướng Bình Thạnh đang san sát hàng chục tòa nhà cao tầng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những dự án "tỷ USD" nhanh chân án ngữ cửa Đông thành phố. Đây được đánh giá là một trong những vị trí vàng để phát triển nhà ở siêu sang nên các chủ đầu tư BĐS (những người vốn nhạy cảm về cơ hội) tìm cách chen chân đầu tư vào những vị trí đảm bảo lợi nhuận cao nhất trong tương lai.

Hàng chục cao ốc trên 1km đường, cửa ngõ Sài Gòn đang bị bóp nghẹt như thế nào? - Ảnh 1.

2km đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh đang "gánh" hàng chục dự án tỷ đô.

Trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (khoảng 2km), các quần thể dự án này có khoảng 20.000 căn hộ được xem là gây sức ép rất lớn lên giao thông. Trong đó phải kể đến quần thể hơn 10.000 căn hộ được một chủ đầu tư lớn mới cung ứng ra thị trường bên cạnh các khu căn hộ cao cấp hiện hữu trước đó như Saigon Pearl, Sun Wah Pearl, The Manor, Centennial... 

Không chỉ Nguyễn Hữu Cảnh, đường Ung Văn Khiêm cũng dày đặc dự án. Có thể kể đến các dự án Rosena Bình Thạnh, Samland, Elite Park, Sacomreal Plaza… đang triển khai bên cạnh đó những chung cư hiện hữu như Bắc Bình, Thế Kỷ 21… Một đoạn đường 2 km đang nạp thêm hàng chục nghìn căn hộ mà các dự án này đem lại.

Vẫn còn một lựa chọn khác cho người dân khu Đông về trung tâm bằng đại lộ Mai Chí Thọ qua hầm Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, khu vực này cũng gánh hàng chục nghìn căn hộ từ các dự án đa và đang thành hình. Trong đó, có thể kể đến dự án tái định cư Bình Khánh (12.000 căn hộ đã hoàn thành) cùng siêu đô thị Sala đang hoàn thiện. Mới đây nhất quần thể 6 block nhà với hàng chục nghìn căn hộ của dự án The Sun Avanue mới được bàn giao. Chưa kể hàng chục dự án thương mại khác cũng đua nhau mọc lên tại đây khiến cho cửa ngõ phía Đông bị bao vây bởi các dự án tỷ USD

Phía Tây dự án lấp đầy các khu đất quốc phòng chuyển đổi

Quận 10 là vùng đệm phía Tây của nội thành và quận giáp ranh với khu Chợ Lớn, mật độ dân cư lớn và không gian phát triển nhà ở tương đối hiếm hoi. Tuy nhiên, với diện tích đất quốc phòng chuyển đổi những năm gần đây, các dự án nhà ở cũng mọc lên rất nhiều.

Siêu dự án phức hợp Hà Đô Centrosa Garden có vị trí đắc địa liền kề trung tâm TP HCM. Trên diện tích 68.513 m2, dự án này đang triển khai khu nhà phố liên kế, 8 tòa căn hộ cao tầng cùng trường học, công viên.

Riêng quỹ căn hộ dự án này tạo ra đã là 2.187 căn Nếu chỉ tính mỗi căn hộ 4 nhân khẩu thì riêng Hà Đô Centrosa đã có gần 10.000 con người sinh sống.

Cách Hà Đô Centrosa Garden không xa, tại giao lộ đường 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt thuộc địa bàn phường 14 quận 10 có một dự án quy mô lớn khác là khu phức hợp Xi Grand Court với 740 căn hộ. Sát bên cạnh là dự án Kingdom 109 với hàng nghìn căn hộ được dự kiến hoàn thành vào năm tới.

UBND quận 10 cũng đang có kế hoạch biến các khu đất trống vốn là xí nghiệp, đất quốc phòng như C30 Thành Thái, Hồ Kỳ Hòa, trường đua Phú Thọ và các khu chung cư cũ như Sư Vạn Hạnh, Vĩnh Viễn, Lý Thường Kiệt… thành các dự án bất động sản.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận 10 đến năm 2020, quy mô dân số dự kiến đến năm 2015 là 254.000 người, đến 2020 là 260.000 người.

Sở dĩ UBND TP HCMđặt ra "hạn ngạch" tăng dân số cho quận 10 trong 5 năm, từ 2015 đến 2020 chỉ có 6.000 người là do quận này mức độ đô thị hóa đã đến giới hạn, hạ tầng không thể mở rộng như các quận vùng ven.

Cửa Nam chóng mặt với tốc đô phát triển cao ốc

Nhắc đến khu Nam TP HCM, Phú Mỹ Hưng từng được xem là thiên đường sống, trái tim của khu Nam từ 20 năm trước. Không ai nghĩ rằng việc di chuyển từ khu đô thị này vào trung tâm lại là vấn đề nghiêm trọng. Bởi vùng đệm xung quanh khu đô thị này đã bị nêm chặt với hàng trăm tòa nhà cao ốc.

Chỉ trong vòng 10 năm, rất nhiều dự án lớn nhỏ đã đổ bộ về như Park Vista, Sunrise City View,The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á, Hưng Phát Silver Star... khiến khu vực này trở nên chật chội. Riêng tổ hợp căn hộ cao cấp Sunrise City đã "góp" hơn 10 tòa cao ốc trên đoạn đường khoảng 500 m.

Hàng chục cao ốc trên 1km đường, cửa ngõ Sài Gòn đang bị bóp nghẹt như thế nào? - Ảnh 2.

Hơn 10 tòa cao ốc trên khoảng 500m đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Ảnh: Zing.vn

Đó là chưa kể đến hàng chục khu đô thị lớn nhỏ ở quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh như Phú Mỹ Hưng, Trung Sơn, Sadeco, Intresco 6B, Đại Phúc… thu hút hàng trăm nghìn người đến sinh sống. Điều này khiến các ngả đường còn lại di chuyển về trung tâm chật cứng.

Hàng trăm nghìn người lựa chọn khu Nam vì quy hoạch nội khu bài bản, hiện đại. Tuy nhiên, việc việc kết nối với trung tâm chỉ có 3 cây cầu nhỏ để di chuyển đã tạo thành bi kịch. "Kẹt xe" là hai từ được người dân khu Nam nhắc đến nhiều nhất mỗi khi đi làm hoặc trở về nhà. Những dự án ở khu Nam thường được định vị là cao cấp và rất dễ kết nối với nội thành. Nhưng thực tế đang diễn ra hàng ngày hoàn toàn trái ngược với những gì chủ đầu tư quảng cáo.

Cụ thể, trục đường Nguyễn Hữu Thọ từ chân cầu Kênh Tẻ phía quận 7 đến khu vực huyện Nhà Bè - huyết mạch kết nối trung tâm đến khu Nam, được xem tuyến đường có mật độ xây dựng sôi động nhất ở khu Nam từ nhiều năm nay. Nhiều người lo ngại, khi các dự án này đi vào sử dụng, trục đường này có đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng chục nghìn hộ dân tại đây.

Cửa Bắc - cao ốc bao vây sân bay

Bên cạnh những dự án đã đưa vào sử dụng trên các tuyến kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất gồm Hoàng Minh Giám, Hồng Hà và Phổ Quang là hàng loạt cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư đang được triển khai. Số lượng căn hộ vượt con số 1.000 căn dọc các con đường này.

Đường Phổ Quang hiện như sợi chỉ đan giữa các tòa nhà ngày một vươn cao trong đó phải kể đến một loạt dự án cao tầng được Novaland phát triển như Botanica, Garden Gate, The Orchard… Tất cả dự án này triển khai cũng một thời điểm khiến áp lực giao thông hướng về sân bay Tân Sơn Nhất hay ngược về trung tâm đang ngày một nặng nề. Ngay cả việc chi hàng trăm tỉ đồng cho các cầu vượt thép để giảm tải thì vẫn chưa đủ giúp người dân ở các quận Gò Vấp, quận 12 về trung tâm dễ dàng hơn.

Hàng chục cao ốc trên 1km đường, cửa ngõ Sài Gòn đang bị bóp nghẹt như thế nào? - Ảnh 3.

Tốc độ phát triển nhà cao tầng ở phía đông sân bay Tân Sơn Nhất dang ngày một lớn.

Ở hướng ngược lại, bước ra khỏi cổng sân bay là gặp ngay tòa nhà trung tâm thương mại Parkson - C.T Plaza với quy mô hai tầng hầm, 10 tầng cao. Rẽ trái về đường Bạch Đằng có dự án Saigon Airport Plaza với 5 tòa tháp hai tầng hầm, 14 tầng cao, xây dựng trên diện tích 1,6 ha.

Cũng trên đường Bạch Đằng, cách đó không xa là chung cư Hà Đô Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) với 5 block chung cư cao 13 tầng trên tổng diện tích sàn hơn 46.000 m2.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã bàn nhiều về cao ốc quanh sân bay nhưng có lẽ đã quá muộn để cải thiện tình trạng "thập diện mai phục" của nhà chung cư.

Ở thời điểm còn trên cương vị Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, ông Trần Trọng Tuấn khẳng định mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, số tầng cao… sẽ để làm căn cứ cấp phép xây dựng nhà cao tầng. Đó là những chỉ tiêu quy hoạch đã được thành phố lập, thẩm định và phê duyệt trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại từng khu vực.

Tuy vậy, ông Tuấn cũng thừa nhận thực trạng các dự án nhà ở cao tầng đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà lẽ ra phải làm ngược lại.

Như vậy, việc hạ tầng giao thông "đuổi theo" tốc độ phát triển của BĐS, cộng với việc điều chỉnh quy hoạch nội bộ về cấp phép dự án đã khiến đô thị méo mó ngay từ cửa ngõ.

Nguyên Trần