'Hàn thử biểu' của nền kinh tế đang chỉ chệch hướng?
|
Thị trường chứng khoán sắp đi được ½ chặng đường của năm 2017. Chỉ số VnIndex vẫn đang cho thấy nhiều kỳ vọng tăng trưởng với mức tăng hơn 9% kể từ đầu năm. Thị trường vẫn đang nhận được nhiều cái nhìn tích cực khi thanh khoản tăng lên đến gần 5.000 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, quan sát sự tăng trưởng của thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy đà tăng của các cổ phiếu trên thị trường đang có sự phân cực rõ nét. Trong đó, nhóm bất động sản trở thành những ngôi sao sáng trên thị trường với mức tăng giá chưa từng có trong những năm gần đây.
Nhiều cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp 3 so với mức giá hồi cuối năm 2016. Chẳng hạn như DXG, PDR đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Cổ phiếu DIG Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng tăng đến trên 50%, LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG tăng đến 230%, QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai tăng hơn gấp 3 lần…
Ở vị thế ngược lại, nhóm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ vốn là nhóm doanh nghiệp có khả năng tạo ra lợi nhuận, tạo nhiều việc làm và trả cổ tức đều đặn cho các cổ đông và góp phần thu ngân sách lớn thì cổ phiếu hoặc giảm, hoặc chỉ tăng ở mức độ khiêm tốn. Chẳng hạn như CSM của Caosumina, DQC của Bóng Đèn Điện Quang, NSC của Giống cây trồng Trung ương, DPM của Đạm Phú Mỹ, CSV của Hóa chất cơ bản Miền Nam, ELC của Viễn Thông Elcom, GIL của Gilmex, VGG của May Việt Tiến, DBC của Dabaco, FMC của Thực phẩm Sao Ta…
Điều đáng nói, Chính phủ đang muốn hướng dòng tiền vào nhóm sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững và tránh xảy ra tình trạng bong bóng tài sản như giai đoạn 2008. Thế nhưng, giá cổ phiếu trên thị trường đang phản ánh điều ngược lại.
DN sản xuất thận trọng
Việc giá cổ phiếu tăng hay giảm trên thị trường trong một giai đoạn chưa thể trả lời câu hỏi trên. Bởi đằng sau việc cổ phiếu tăng hay giảm giá có rất nhiều câu chuyện. Trong đó có cả những khó khăn trong mỗi doanh nghiệp phải đối đầu, hay lợi nhuận tăng bất thường, hay thậm chí bơm thổi hoặc đè giá để gom cổ phiếu.
Thế nhưng, với nhiều thông tin nhận được trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay có thể nhận thấy sự thận trọng của khối doanh nghiệp sản xuất mặc dù có nhiều DN vẫn hoạt động kinh doanh khá tốt.
Một trong những ví dụ điển hình như Gỗ Đức Thành (GDT), một doanh nghiệp chế biến đồ gỗ gia dụng xuất khẩu kinh doanh tăng trưởng ổn định cũng chỉ đưa ra mục tiêu tăng trưởng bình quân chỉ 10% mỗi năm. Với lượng tiền mặt dồi dào, nhiều cổ đông mong muốn ban lãnh đạo Công ty tham vọng hơn bằng việc đầu tư mở rộng. Thế nhưng, chủ tịch HĐQT GDT, bà Lê Hải Liễu lại cho rằng: Đầu tư vào nhà máy là chi phí cố định và thời gian thu hồi vốn chậm, do đó, việc mở rộng hoạt động luôn phải có những phân tích kỹ và đúng thời điểm chứ không thể nào nóng vội.
Doanh nghiệp trong ngành công nghệ là ELCOM (ELC) dù có một năm 2016 kinh doanh khá thành công nhưng vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng thấp. Năm nay, ELC đặt mục tiêu doanh thu 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4% và 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kế hoạch này theo phân tích của CTCK BVSC là tương đối thận trọng so với khả năng thực hiện.
Gilimex - công ty có tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu trong ngành dệt may năm nay cũng chỉ đặt kế hoạch 1.400 tỷ đồng doanh thu và 75-85 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng về doanh thu và giảm về lợi nhuận so với 1.290 tỷ đồng doanh thu và gần 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà Gilimex đạt được trong năm 2016. Con số mà GIL đưa ra thấp hơn nhiều so với dự báo của CTCK MB dự phóng là 1.549 tỷ đồng doanh thu và và 107 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đối với lĩnh vực kinh doanh phân bón dù không đạt kết quả khả quan trong năm 2016, dù vậy thì các DN lớn trong ngành vẫn đang đạt hiệu quả khá cao trên vốn đầu tư. Dù vậy, với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ hàng nhập khẩu, hầu hết DN ngành này đều đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Trong khi Bình Điền (BFC) đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ xấp xỉ năm trước thì DPM lại đặt kế hoạch thấp hơn năm trước gần 30%.
Hay như những doanh nghiệp khá tên tuổi khác trên thị trường sản xuất như Bóng đèn Điện Quang (DQC) hay Caosumia (CSM) cũng đưa ra những kế hoạch không mấy khả quan với nỗi lo cạnh tranh. Đặc biệt cạnh tranh từ hàng Trung Quốc…
DN BĐS tự tin với kế hoạch tăng trưởng
Trong khi các DN khối sản xuất, nông nghiệp và công nghệ vẫn khá dè dặt trong kế hoạch kinh doanh thì khối bất động sản lại rất ‘máu lửa’ và tự tin với kế hoạch kinh doanh của mình.
Chỉ vừa gượng dậy sau khủng hoảng chứ chưa nói là hoàn toàn khỏe mạnh, giờ đây nhiều DN BĐS lại tiếp tục vẽ nên những kế hoạch đầy tham vọng.
Một trong những cái tên gây chú ý nhất là Đất Xanh (DXG). Năm 2017, DXG đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu 3.300 tỷ đồng và 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thậm chí, DXG còn đặt mục tiêu từ năm 2017 sẽ bắt đầu thực hiện mở rộng quy mô đầu tư và phát triển những dự án có quy mô từ 5-20ha (trước 2017 chỉ thực hiện những dự án có quy mô từ 2-3 ha)…
Hai năm 2015-2016, DXG báo lãi tăng mạnh. Tuy nhiên, một vấn đề của DXG chính là các khoản phải thu tăng vọt theo con số doanh thu và lợi nhuận. Khoản phải thu ngắn hạn đến hết quý I là 2.616 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu khác của DXG đến hết quý I là 2.075 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay.
Một tên tuổi khác đang làm mưa làm gió trên thị trường như Phát Đạt, công ty đến cuối quý I/2017 vẫn đang ôm khoản nợ gần 7.000 tỷ. Trong đó, nợ vay ngắn và dài hạn lên đến xấp xỉ 3.200 tỷ đồng, lãi vay ngắn và dài hạn đến cuối quý I đã lên đến 2.370 tỷ đồng, tăng thêm 21 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016.
Dù vậy, DN này vẫn tự tin với kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 336 tỷ đồng trong năm 2017, tăng lần lượt 34% và 39% so với năm 2016. Đồng thời, Công ty này còn tự tin với kế hoạch mở rộng hoạt động, tập trung thực hiện các dự án BT lấy thêm quỹ đất.
Một trường hợp khác là DIG, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng năm nay lên kế hoạch doanh thu 2017 ước đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 22% so với thực hiện 2016), lợi nhuận sau thuế dự kiến 128 tỷ đồng (tăng 94%). Ngoài ra, DIG cũng dự kiến nguồn vốn đầu tư năm 2017 là 1.183 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quan sát từ trước đến nay, DIG chưa bao giờ hoàn thành được các kế hoạch mà HĐQT đưa ra. Trong khi đó, với dòng tiền hoạt động kinh doanh âm trong nhiều năm khiến doanh nghiệp này phải liên tục vay nợ để tài trợ. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của của DIG cho thấy, Tổng công ty đang vay nợ gần 1.740 tỷ đồng.
Đó chỉ là một vài minh họa cho thấy nhà đầu tư có vẻ như đang kỳ vọng quá lớn vào thị trường, cổ phiếu BĐS mà bỏ quên nhóm ngành sản xuất kinh doanh, nơi vốn là nơi sinh ra dòng tiền ổn định cho nền kinh tế.
Và nếu nói thị trường chứng khoán như là một hàn thử biểu của nền kinh tế, phải chăng nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng bằng sức nóng của thị trường bất động sản, trong khi đó khối sản xuất, nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn?