Hàn Quốc nhắm đến vị thế nước giàu nhờ nền kinh tế vững vàng trong đại dịch
Hàn Quốc có lẽ đã thoát khỏi năm 2020 với ít vết thương kinh tế hơn các quốc gia phát triển. Hoạt động xuất khẩu đã giúp nước này thúc đẩy phục hồi kinh tế ngay cả khi các đợt bùng phát COVID-19 khiến người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu.
Theo ước tính của Bloomberg, GDP Hàn Quốc sụt giảm 1% trong 2020. Nhiều khả năng đây sẽ là tổn thấp thất nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong một năm thế giới rúng động vì đại dịch.
Thành tích trên sẽ củng cố tuyên bố của Tổng thống Moon Jae-in rằng chiến lược kiểm soát COVID-19 ngăn chặn dịch bùng phát mà không phong tỏa quy mô lớn đã giúp thu nhập của người dân lần đầu tiên đạt đến mức bằng Nhóm G7.
Mặc dù Hàn Quốc áp đặt một số giới hạn đối với hoạt động kinh doanh nhưng các biện pháp ít nghiêm ngặt hơn lệnh phong tỏa ở một số nước ở châu Âu.
Theo số liệu của World Bank, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc ở mức 33.790 USD năm 2019, chỉ thấp hơn một chút so với con số 34.530 USD của Italy. Hàn Quốc có khả năng vượt qua Italy nếu xu hướng về thu nhập tương tự như tình hình GDP. Các nhà kinh tế ước tính kinh tế Italy sụt giảm khoảng 9% trong năm ngoái.
Nhưng kể cả nếu Hàn Quốc vượt qua Italy về thu nhập bình quân đầu người, chỉ tiêu này có thể không phản ánh bức tranh toàn cảnh về kinh tế hai nước.
Làn sóng COVID-19 quét qua Hàn Quốc trong quý IV nhiều khả năng sẽ ngăn cản nước này phục hồi theo mô hình chữ V. Tăng trưởng quý III của Hàn Quốc cũng chậm lại do các biện pháp giãn cách xã hội. Số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại Hàn Quốc đạt đỉnh trên 1.000 người vào tháng 12 và gần đây mới giảm xuống còn 300-400 ca/ngày.
Xuất khẩu có lẽ là trụ cột lớn nhất cho tăng trưởng năm ngoái và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhất trong năm 2021. Sự chuyển dịch sang xu hướng học tập và làm việc tại nhà làm gia tăng nhu cầu chất bán dẫn và các thiết bị công nghệ khác của Hàn Quốc. Các đơn hàng trong tháng 12 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2018 và cuộc phục hồi này đã kéo dài tới tháng 1/2021.
Với mối đe dọa thường trực từ COVID-19 và du lịch trong nước đình trệ, động lực xuất khẩu đã không thể thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tháng trước kinh tế Hàn Quốc mất đi lượng việc làm lớn nhất kể từ năm 1999, du lịch là ngành gánh chịu nhiều thiệt hại nhất.
Thực trạng trên cho thấy phục hồi kinh tế Hàn Quốc giống với mô hình chữ K hơn là chữ V ngay cả nếu thu nhập bình quân vượt qua Italy.
Nhà kinh tế Lloyd Chan tại Oxford Economics cho biết: "Chúng tôi lo ngại rằng sự phục hồi không đồng đều giữa các lĩnh vực và doanh nghiệp sẽ tác động không cân đối đến nhóm thu nhập thấp".
"Lao động thu nhập thấp có xu hướng tiêu dùng mạnh hơn người thu nhập cao, do đó ngày càng nhiều việc làm bị xóa sổ trong nhóm này sẽ tạo ra lực cản cho tiêu dùng tư nhân".
Sự khác biệt ngày càng tăng giữa thương mại và tiêu dùng nội địa làm sâu sắc thêm lo ngại về sự phục hồi không đồng đều, tăng cường áp lực buộc chính phủ tăng cường kích thích tài khóa còn ngân hàng trung ương cần duy trì chính sách nới lỏng.