|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt dự án được ưu tiên trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng 119 tỷ USD của Việt Nam

14:09 | 20/06/2021
Chia sẻ
Việt Nam hiện đặt ưu tiên cao cho các dự án giao thông quy mô lớn như sân bay Long Thành, hệ thống đường sắt đô thị ở TP HCM, Hà Nội và đường cao tốc Bắc Nam.

"Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam", ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định như vậy trong bài viết mới nhất được đăng tải trên trang web của công ty này.

Theo ông Kokalari, phát triển mạng lưới giao thông và phát triển điện lưới quốc gia là hai ưu tiên chính trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP và tiếp tục thu hút đầu tư FDI vào các dự án quy mô lớn. 

"Các kế hoạch phát triển ở cả hai lĩnh vực trên đang được thực hiện khá tốt với sự đầu tư và quan tâm từ Chính phủ và cả tư nhân", ông Kokalari viết.

'Hai trong số những động lực tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng' - Ảnh 1.

4 năm tới, Việt Nam cam kết đầu tư 119 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

119 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Theo ông Kokalari, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm. Một trong các lý do là quá trình đô thị hóa cùng dòng vốn FDI – hai trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nâng cấp cơ sở hạ tầng trong những năm tới.

Những số liệu gần đây cho thấy Chính phủ tập trung nguồn lực vào cơ sở hạ tầng. Tổng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng tăng 35% vào năm 2020 lên 20 tỷ USD (tương đương 6% GDP) và có khả năng tăng thêm 16% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2021. 4 năm tới, Việt Nam cũng cam kết đầu tư 119 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia của VinaCapital cũng đề cập đến ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), theo đó, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững của Việt Nam sẽ lên tới 25 tỷ USD/năm, với tỷ trọng đóng góp của khối tư nhân khoảng 20%.

Trong quá khứ, khu vực tư nhân chiếm khoảng 10% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ đầu năm nay, trong đó đáng chú ý hình thức đấu thầu rộng rãi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên theo ông Kokalari, trong tương lai gần, sẽ chưa thể ghi nhận sự đột biến của khối đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Ưu tiên hàng đầu là hệ thống giao thông và phát triển điện lực quốc gia

Theo kế hoạch, phần lớn khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ tập trung vào cải thiện mạng lưới giao thông và tăng cường năng lực sản xuất, phân phối điện.

Việt Nam hiện đặt ưu tiên cao cho các dự án giao thông quy mô lớn như sân bay Long Thành, hệ thống đường sắt đô thị ở TP HCM, Hà Nội và đường cao tốc Bắc Nam.

Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3 được khởi công hồi tháng 1 đầu năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Còn trong 8 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến sẽ khai thác thương mại toàn tuyến vào cuối năm 2021.

Tại TP HCM, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có thể hoàn thành sau năm 2021, trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm nay để khởi công di dời, tái lập hạ tầng kỹ thuật.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng đường cao tốc Bắc Nam sau khi hoàn thiện sẽ hỗ trợ rất tốt cho dòng vốn FDI khi mà các doanh nghiệp FDI có thể đặt nhà máy ở nhiều vùng, khu vực khác nhau, nhờ thế mà có thể tiếp cận đến nhiều lao động hơn.

Ngoài ra chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng nên đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai ở TP HCM và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các cảng biển lớn.

Cùng với việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, hồi đầu năm, Bộ Công Thương bắt đầu lấy ý kiến góp ý với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ cần số vốn khoảng 12,8 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2021-2045 (320 tỷ USD cho cả giai đoạn) cho kịch bản nâng công suất hệ thống điện lên 102.193 MW vào năm 2025; sau đó tăng lên 137.662 MW vào 2030 và đạt 276.601 MW vào năm 2045.

Dự thảo cũng cho biết Việt Nam sẽ dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.

Ông Kokalari cho hay 9 dự án LNG quy mô lớn sẽ được trong vòng 5 năm tới, đáng chú ý có dự án 3,2 tỷ USD ở Long An. Theo Kinh tế trưởng của VinaCapital, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ cũng giúp Việt Nam giảm bớt thâm hụt thương mại với quốc gia này.

Anh Đào

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.