Hải quan điện tử đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm 5,7 triệu USD chi phí
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết từ năm 2018 đến ngày 12/6, Việt Nam đã gửi 384.365 Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (C/O) trong khu vực ASEAN.
Tính trung bình chi phí chuyển phát nhanh quốc tế (nếu sử dụng C/O giấy) sẽ mất khoảng 15 USD cho mỗi C/O giấy, số lượng C/O điện tử đã gửi đi tiết kiệm được khoảng 5,7 triệu USD chi phí cho các doanh nghiệp.
Báo cáo của ngành cũng cho hay tính đến ngày 30/5, cả nước đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính được đưa lên cơ chế một cửa quốc gia.
Theo đó, tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên cổng thông tin một cửa quốc gia lên tới 3,1 triệu bộ hồ sơ của trên 38.700 doanh nghiệp.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu thực hiện cơ chế một cửa ASEAN.
Kể từ năm 2015, Việt Nam là một trong 5 nước đầu tiên thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử cùng với các nước tiên tiến trong khu vực, như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kết nối chính thức cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017-thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ, đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ.
Theo đó, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai được mở trong năm 2017, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan đồng thời tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.
“Kết quả quả trên vẫn được giữ vững năm 2019, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia,” báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá./.