|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gánh nặng khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank tại hai ngân hàng

12:46 | 25/09/2020
Chia sẻ
Các khoản nợ thế chấp bằng hàng trăm triệu cổ phiếu Sacombank (STB) khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của Eximbank và Kienlongbank tăng mạnh. Cả hai ngân hàng này đều muốn đẩy nhanh quá trình xử lí khoản nợ khó đòi trên.
Hai ngân hàng lao đao vì khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Eximbank)

Ngày 22/9, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chứng kiến phiên tăng trần với khối lượng giao dịch đạt 45,7 triệu cổ phiếu, mức cao nhất 3 năm trở lại đây.

Cùng ngày, xuất hiện tin đồn rằng Thaco có ý định mua 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng từ Kienlongbank".

Trước đó, Kienlongbank đã hai lần tổ chức bán số cổ phần STB nói trên nhưng đều không thành công. Lần gần nhất, Kienlongbank rao bán với giá khởi điểm ở mức 21.600 đồng/cp, giảm 10% so với đợt 1 (24.000 đồng/cp).

Sau tin đồn trên, lãnh đạo các bên liên quan gồm Thaco, Sacombank và Kienlongbank đều lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận là khoản nợ thế chấp bằng số lượng cổ phiếu STB là gánh nặng của Kienlongbank và ngân hàng đang muốn giải quyết nhanh chóng "cục máu đông" này.

Trong nửa đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Kienlongbank giảm 30,4% so với cùng kì năm trước, xuống còn 103 tỉ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm là bởi ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng lên 79 tỉ đồng, gấp gần 3,3 lần cùng kì.

Thuyết minh báo cáo tài chính Kienlongbank cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tăng "chóng mặt" trong 6 tháng đầu năm do ngân hàng này đã phải trích lập cho khoản nợ có khả năng mất vốn gần 1.896 tỉ đồng của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài lợi nhuận, bảng cân đối của Kienlongbank cũng bị "xấu đi" khi phải hạch toán toàn bộ khoản nợ trên vào nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Cụ thể, đến cuối tháng 6, nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng ở mức gần 2.146 tỉ đồng, gấp gần 10 lần thời điểm đầu năm. Qua đó kéo tổng số dư nợ xấu nội bảng tăng vọt lên 2.249 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,3% lên 6,59% (mức cao nhất trong nhất hệ thống ngân hàng).

Trước đó, trong năm 2019, lợi nhuận Kielongbank giảm hơn 70% xuống 86 tỉ đồng cũng chủ yếu do liên quan đến các khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Sacombank.

Theo lãnh đạo Kielongbank, lợi nhuận năm 2019 giảm do ngân hàng đã phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo phương án xử lí nợ được NHNN phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu Sacombank.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020, Kielongbank đã lên phương án xử lí các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank và tiến hành chào bán số cổ phiếu ngay trong tháng 1 và dự kiến hoàn tất trong năm 2020.

Kienlongbank cho biết đã nhận được đầy đủ hợp đồng ủy quyền có công chứng từ các khách hàng vay và chủ sở hữu tài sản về việc đồng ý cho Kienlongbank thực hiện chào bán tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank để thu hồi nợ. Đây cũng sẽ là một khoản thu nhập sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020.

Không chỉ Kienlongbank, hoạt động kinh doanh của Eximbank cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi khoản nợ khó đòi thế chấp bằng cổ phiếu STB.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng giảm 27,6% so với cùng kì, xuống 552 tỉ đồng. Cũng giống Kienlongbank, lợi nhuận Eximbank giảm do phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 220 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước được hoàn nhập 43 tỉ đồng.

Nguyên nhân được lãnh đạo Eximbank cho biết là phải tăng trích lập cụ thể cho khoản nợ xấu được khách hàng thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.

Đến hết quí II, tổng nợ xấu nội bảng của Eximbank ở mức 2.157 tỉ đồng, tăng 11,6%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 815 tỉ đồng lên hơn 1.614 tỉ đồng, tương ứng tăng 98%. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,71% vào cuối năm 2019 lên mức 2,08%.

Ngoài ra, báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank chuẩn bị cho Đại hội cổ đông 2020 cũng cho biết, khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu STB cũng khiến hai chỉ tiêu an toàn hoạt động của ngân hàng không đạt yêu cầu của NHNN.

Theo đó, tỉ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức qui định tối đa theo Thông tư 36/2014 là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỉ đồng.

Ngày 2/10/2019, NHNN cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lí tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo qui định. Do đó, Ban lãnh đạo Eximbank cho biết, năm 2020, ngân hàng sẽ tập trung xử lí khoản nợ này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Thụy

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.