|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai dự án bauxite thua lỗ, đội vốn

09:47 | 14/03/2017
Chia sẻ
Việc thua lỗ, đội vốn của Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ đã được cảnh báo từ nhiều năm trước

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa bị thanh tra nhiều nội dung về hoạt động kinh doanh, đầu tư. Trong đó, các kết quả thanh tra tại Tổ hợp Dự án Bauxite - Nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) và Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ (Dự án Nhân Cơ) cho thấy trong thời gian đầu, các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến.

Lỗ ngàn tỉ

Thông tin từ đoàn thanh tra cho biết tại Dự án Tân Rai, theo quyết định ban đầu (ban hành năm 2006) của Chủ tịch HĐTV TKV, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD), với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006-2009.

Tuy vậy, qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (hơn 800 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu. “Nguyên nhân việc đội vốn là do điều chỉnh tăng công suất thêm 50.000 tấn thành 650.000 tấn/năm, thay đổi công nghệ sản xuất alumin, thay đổi chính sách thuế, tiền lương, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng... Nhưng cũng có nguyên nhân do trượt giá, do kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu hạn chế” - nguồn tin từ đoàn thanh tra cho biết.

Đáng chú ý, dự án này sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng 10-2013 đến hết tháng 9-2016, đã lỗ 3.696 tỉ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đoàn thanh tra cũng cho rằng tính đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất đã giảm, giá alumin, nhôm trên thế giới đã hồi phục. “Dự kiến năm 2017, dự án sẽ hết lỗ đúng như tính toán (với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm)” - đoàn thanh tra đánh giá.

Còn tại Dự án Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007), vốn đầu tư cho dự án này chỉ 3.285 tỉ đồng. Đến năm 2014, tổng vốn đầu tư đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm; dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả; do thay đổi tỉ giá cùng một số thay đổi về chính sách... Cũng theo đoàn thanh tra, tính đến thời điểm cuối tháng 11-2016, Dự án Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải và ra sản phẩm hydrat, alumin.

hai du an bauxite thua lo doi von
Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ sau khi xây dựng đội vốn lên hơn 5 lần (Ảnh: Thế Dũng)

Đã được cảnh báo

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng Ban Dự án nhôm, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ), cho biết ông đã cảnh báo nhiều lần về việc triển khai các dự án bauxite - nhôm Tây Nguyên. Quy mô công suất của dự án nhôm nhỏ hơn rất nhiều so với công suất thiết kế của thế giới nên rủi ro là tất nhiên. Hơn nữa, xây dựng dự án trong điều kiện không tính đến việc vận chuyển bằng ô tô sẽ rất tốn kém nên đây thực sự là “cách làm liều lĩnh”.

Theo ông Ban, chỉ có thể có một phương án khả dĩ phần nào cứu được dự án chính là nhà máy điện phân nhôm ra đời sử dụng toàn bộ alumin sản xuất ra được để giảm phát sinh chi phí các khâu xử lý. Tuy nhiên, câu chuyện liên quan đến nguồn điện và giá điện đã được đặt ra nhiều năm qua vẫn phải thực sự cân nhắc. Bởi lẽ, thông thường các nước đều có chính sách giá điện riêng để phát triển ngành nhôm, ví dụ như cho doanh nghiệp nhôm tự bỏ vốn đầu tư các nhà máy thủy điện phục vụ cho mình. Song, dự án của Việt Nam lại không làm như thế nên trước đây đã từng tính đến phương án tách Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi ra khỏi ngành điện để phục vụ cho nhà máy nhiệt phân nhôm. Nhưng muốn làm ra 1 tấn nhôm cần tới 13.000 KWh điện nên Nhà máy Hàm Thuận - Đa Mi cũng chỉ đủ công suất cho một nhà máy điện phân nhôm công suất 72.000 tấn.

PGS-TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cũng cho biết ngày 9-4-2009, tại hội thảo khoa học với chủ đề: “Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite - sản xuất Alumin - nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực” do Bộ Công Thương và VUSTA đồng tổ chức, ông đã từng nhìn nhận hiệu quả kinh tế của các dự án này rất thấp. VUSTA cũng đã có kiến nghị về dự án bauxite Tây Nguyên với những đánh giá về tính khả thi của dự án. Cụ thể, VUSTA đưa ra những phân tích về giá thành của alumin để khẳng định dự án “cầm chắc thua lỗ”. Đó là chưa kể, nếu muốn hoạt động bền vững thì dự án phải đầu tư một tuyến đường sắt khoảng 3,1 tỉ USD để giảm chi phí vận chuyển.

Hậu quả nhãn tiền

PGS-TS Phạm Bích San phân tích: Giá thành 1 tấn alumin của Dự án Tân Rai là 223 USD, Dự án Nhân Cơ là 241 USD, chưa bao gồm các chi phí khác như chi phí vận chuyển từ nhà máy xuống cảng biển (khoảng 50-60 USD/tấn) và các chi phí duy tu, bảo dưỡng đường từ khu mỏ xuống cảng biển. Vì thế, thua lỗ là hậu quả nhãn tiền.

Phương Dung