|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội và TP HCM làm gì để phát triển kinh tế hậu COVID-19?

22:00 | 09/05/2020
Chia sẻ
TP Hà Nội cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, dự kiến trao chủ trương đầu tư cho 100 dự án, đồng thời cắt giảm 15% chi tiêu thường xuyên so với dự toán ngân sách để dành đầu tư phát triển... Trong khi đó, TPHCM sẽ đưa ra đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Hà Nội: Thắt lưng, buộc bụng, dành tiền phát triển

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID - 19, nhưng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã tích cực tham gia, đóng góp vào quá trình ủng hộ phòng chống dịch bệnh.

Nhiều DN chia ca làm việc, giữ nguyên tiền lương để đảm bảo thu nhập cho người lao động. Một số DN đẩy mạnh quá trình làm việc qua hệ thống trực tuyến, thương mại điện tử.

Ông Chung cho biết, Hà Nội sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế năm 2020 với mức cao 1,3 lần so với tăng trưởng cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, TP Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống chính trị của thành phố cùng với các DN trên địa bàn đưa ra nhiều các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Cụ thể, TP Hà Nội đã thành lập tổ công tác để cập nhật tình hình, xây dựng 3 kịch bản phát triển, trong đó trọng tâm ưu tiên các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, giáo dục, quốc phòng, phòng chống thiên tai và xây dựng đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế.

Hà Nội và TPHCM làm gì để phát triển kinh tế hậu COVID-19? - Ảnh 1.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết Hà Nội sẽ thúc đẩy 100% vốn đầu tư công trong năm 2020 “Các giải pháp được thực hiện trên tinh thần quyết liệt như chống dịch. Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, trọng tâm là hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, và thị trường xuất khẩu. TP Hà Nội sẽ cắt giảm các thủ tục không cần thiết, phấn đấu đến ngày 30/6, 100% dịch vụ công của TP đạt mức độ 3 và 4”, ông Chung nói.

 Để kích cầu thị trường nội địa, ông Chung cũng cho biết, từ cuối tháng 5 đến tháng 6 sắp tới, TP Hà Nội sẽ phối hợp với cộng đồng DN và các tỉnh thành triển khai tháng khuyến mãi, kết nối các tour du lịch, các đơn vị vận chuyển, các cơ sở lưu trú trên cả nước với những chương trình ưu đãi, hấp dẫn.

Liên quan đến hỗ trợ vốn tín dụng, tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 2 đến nay, TP Hà Nội đã chuyển 1020 tỷ đồng sang ngân hàng Chính sách Xã hội để cho các DN vừa và nhỏ vay, các hộ kinh doanh vay với lãi suất 0%.

“Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển khoản hỗ trợ này. Thành phố sẽ hỗ trợ các DN, người lao động tham gia chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, phấn đấu thời gian tới 75% lao động trên thành phố qua đào tạo”, lãnh đạo Hà Nội cho hay.

Ngoài ra, TP Hà Nội cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, đồng thời cắt giảm 15% chi tiêu thường xuyên so với dự toán ngân sách để dành đầu tư phát triển.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của thành phố, đến cuối tháng 6/2020, Hà Nội sẽ mở hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển với sự tham dự đông đảo của cộng đồng trong và ngoài nước.

Tại đó, Hà Nội dự kiến sẽ trao chủ trương đầu tư cho 100 dự án, trong đó các dự án DN trong nước đầu tư khoảng 330 nghìn tỷ đồng (có khoảng 26 dự án nhà ở xã hội cho lao động thu nhập thấp với số vốn là 72 nghìn tỷ đồng), và các dự án do DN FDI đầu tư với khoảng 3,5 tỷ USD.

Đề xuất 5 giải pháp, 2 giai đoạn

Với TPHCM, địa phương này cũng đưa ra nhiều giải pháp để vực dậy kinh tế sau dịch COVID – 19.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị này, ngày 5/5 TPHCM đã tổ chức tọa đàm với các DN trên địa bàn để đề ra các chính sách hỗ trợ.

Theo ông Phong, TPHCM hiện có 421.000 DN đăng ký, trong đó DN lớn chiếm 2.2%, DN vừa chiến 11,7%, DN nhỏ chiếm 90,7%. Trong 4 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch COVID-19, TPHCM đã có 12.700 DN giải thể, tăng 2,1 lần cùng kỳ năm ngoái.

Việc dừng hoạt động của DN gây hệ quả là hơn 300.000 lao động, tạm hoãn, ngưng hợp đồng lao động, mất việc.

 Theo ông Phong, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như lập tổ công tác hỗ trợ DN từ tháng 3 nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các DN. 

Hà Nội và TPHCM làm gì để phát triển kinh tế hậu COVID-19? - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết, TP HCM sẽ hỗ trợ DN với 5 giải pháp then chốt

 Về thực hiện các chính sách hỗ trợ, ông Phong cho biết các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỉ đồng, giảm lãi cho DN, hộ kinh doanh 12.300 tỉ đồng với 168.000 khách hàng, cho vay mới 88.800 tỉ đồng để đồng hành cùng DN với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm. Cục thuế đã khoanh nợ 255 nghìn doanh nghiệp, với 40.000 tỉ đồng, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ cho 43 nghìn tiểu thương.

Trong thời gian tới, tổ công tác của TP sẽ triển khai tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ DN trên địa bàn TP, triển khai kế hoạch hỗ trợ DN tới hết 2020 với 5 giải pháp, gồm: Hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn phá sản trong đó tập trung hỗ trợ vấn đề tiền lương cho NLĐ để DN không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của DN; hỗ trợ phục hồi sản xuất dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa; hỗ trợ khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ, đẩy mạnh số hóa; tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; kịp thời dự báo với các quốc gia, đối tác để mở cửa kinh tế, thương mại với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Theo ông Phong, TP sẽ xây dựng kịch bản khắc phục kinh tế hậu COVID-19 theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 áp dụng các biện pháp mang tính chất tình thế để giúp DN tồn tại, bám trụ thị trường, và cơ hội phục hồi không bị đổ vỡ.

Giai đoạn 2 gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu, biến nguy thành cơ. TP.HCM sẽ làm kỹ, không dàn trải, không cào bằng. Dự kiến trước tháng 6/2020, TP sẽ ban hành các gói hỗ trợ, đẩy mạnh cải cách hành chính để các gói hỗ trợ đến tay DN kịp thời.

Phạm Anh - Quỳnh Nga - Dương Hưng