|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội: Truy tố đối tượng lừa đảo gần 350 tỷ đồng bằng 'dự án ma'

07:53 | 10/11/2022
Chia sẻ
Hoàng Văn Cường là đối tượng bỏ trốn và bị truy nã trong vụ gần 400 người bị lừa đảo gần 350 tỷ đồng do mua căn hộ tại các "dự án ma” của Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Hoàng Văn Cường (sinh năm 1960, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Cường là đối tượng bỏ trốn và bị truy nã trong vụ gần 400 người bị lừa đảo gần 350 tỷ đồng do mua căn hộ tại các "dự án ma” của Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam.

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam thành lập từ tháng 4/2008, Lê Hồng Bàng (sinh năm 1976, trú tại phường Trung Sơn Trầm, Sơn Tây, Hà Nội) và các cổ đông sáng lập đều không có vốn để đóng góp hoạt động kinh doanh.

Tháng 3/2009, Lê Hồng Bàng tạo dựng ra các dự án rồi chỉ đạo nhân viên công ty thu tiền bán căn hộ.

Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Hoàng Hà do Hà Tuấn Linh (sinh năm 1966, trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là giám đốc.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng thương mại Cường Thịnh do Hoàng Văn Cường là giám đốc. Cả 2 doanh nghiệp này đều không có chức năng đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh.

Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng, Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh đã bàn bạc, cùng nhau ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng tên của các dự án nhà ở là Dự án 683, Dự án Lộc Hòa, Dự án Cửu Long, Dự án Phương Đông tại các địa điểm thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Tất cả 4 dự án đều chưa được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội duyệt quy hoạch, chưa chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, chưa xác nhận chủ đầu tư, không có quyết định phê duyệt giao đất làm dự án xây dựng nhà ở.

Các dự án đều chưa có cơ sở pháp lý để hình thành. Bản thân các bị can biết rõ pháp nhân của 3 công ty đều không có chức năng kinh doanh dự án, không có khả năng về tài chính để đảm bảo thực hiện các dự án nhưng bằng thủ đoạn gian dối, tạo dựng hồ sơ pháp lý của các dự án, ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng tên của các dự án; thuê làm các bản vẽ thiết kế dự án để phân ô, phân lô và ghi rõ chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà để quảng bá giới thiệu với người bị hại; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân và tổ chức san lấp mặt bằng trái phép.

Nhiều người bị hại đã tin tưởng dự án là có thật nên nộp tiền cho Cường, Bàng dưới hình thức “Hợp đồng vay vốn” để đăng ký mua căn hộ.

Với thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng đã ký kết 758 hợp đồng vay vốn với 397 người có nhu cầu đăng ký mua căn hộ và chiếm đoạt được tổng số tiền hơn 347 tỷ đồng.

Riêng trong 2 tháng 6-7/2009, Hoàng Văn Cường đã thu tiền dưới hình thức ký hợp đồng vay vốn với 25 người bị hại có nhu cầu đăng ký mua căn hộ bằng phiếu thu tiền với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Ngoài ra, Hoàng Văn Cường còn nhận từ Lê Hồng Bàng số tiền 2,5 tỷ đồng (đây là số tiền nằm trong số tiền Bàng chiếm đoạt của 397 bị hại) để lo chi phí dự án.

Như vậy, tổng số tiền Cường chiếm đoạt của các bị hại là hơn 48,5 tỷ đồng. Hiện tại, Cường chưa khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Sau khi vụ án bị phát hiện, ngày 8-9/8/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Bàng mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Cơ quan điều tra khởi tố Hoàng Văn Cường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm của Bàng. Sau đó, Cường bỏ trốn và bị truy nã.

Ngoài ra còn 2 bị can khác trong vụ án đang bị truy nã, chưa bắt được là Hà Tuấn Linh và Đặng Hoàng Duy. Ngày 27/10/2021, Hoàng Văn Cường đã đến Công an thành phố Hà Nội đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Kim Anh

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tác động từ vĩ mô toàn cầu đến TTCK Việt Nam tương đối thách thức
Tại sự kiện Báo cáo chiến lược đầu tư thường niên 2025 do FinPeace tổ chức mới đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright, đưa góc nhìn về bối cảnh kinh tế toàn cầu và xu hướng điều hành kinh tế vĩ mô trong nước, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.