|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hà Nội nói gì về việc nợ tiền Viettel IDC

07:08 | 04/07/2020
Chia sẻ
Theo đại diện Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội, thành phố đã bố trí đầy đủ dự toán để triển khai các dịch vụ công điện tử. UBND thành phố cũng đã có văn bản đề xuất với HĐND thành phố phân bổ chi tiết.
Hà Nội nói gì về việc nợ tiền Viettel IDC - Ảnh 1.

Bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội.

Về vấn đề này, bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến triển khai các dịch vụ công điện tử thành phố, với trách nhiệm của mình, HĐND thành phố đã bố trí đầy đủ dự toán để triển khai các công việc này. Dự toán ngân sách của thành phố được bố trí từ tháng 12/2019 trong chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin thành phố.

“Vừa rồi UBND thành phố cũng có văn bản đề xuất với Thường trực HĐND thành phố để phân bổ chi tiết nội dung này. Thường trực HĐND thành phố cũng đã có văn bản chấp thuận. Về mặt hậu kiểm, giám sát theo quy định, chúng tôi cùng với các ban của HĐND thành phố sẽ thực hiện giám sát công tác triển khai nhiệm vụ, từ khâu chuẩn bị hồ sơ, lựa chọn nhà thầu, thực hiện thủ tục thanh quyết toán theo đúng quy định khi các cơ quan thành phố triển khai”, bà Nga nói.

Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, sử dụng dịch vụ hơn 2 năm qua nhưng UBND thành phố Hà Nội chưa ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với Viettel cũng như chưa thanh toán số nợ lũy kế cước phí dịch vụ 200 tỷ đồng.

Cụ thể, theo đại diện Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) - Tập đoàn Viettel, tháng 8/2016, Viettel triển khai và đưa vào vận hành dự án Trung tâm dữ liệu chính cho UBND TP Hà Nội để triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ban đầu Viettel đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí con người, máy móc thiết bị, sau đó thành phố trả phí dịch vụ thuê hàng tháng. Từ tháng 11/2017, Viettel tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư giai đoạn 2, mở rộng hệ thống gấp 3 lần theo yêu cầu của thành phố.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội mới ký hợp đồng kinh tế và trả chi phí cho Viettel giai đoạn từ tháng 8/2016 - 4/2018. Từ đó đến nay, thành phố vẫn sử dụng dịch vụ trên hệ thống hạ tầng do Viettel cung cấp để triển khai dịch vụ công trực tuyến nhưng không ký hợp đồng, không thanh toán tiền cước sử dụng dịch vụ cho phía Viettel. “Nợ tồn đọng lũy kế đến nay đã hơn 200 tỷ đồng. Mỗi tháng Viettel phải chi trả một khoản chi phí rất lớn cho vận hành, phí điện tiêu thụ. Trong khi vốn đầu tư và chi phí vận hành chúng tôi phải đi vay. Cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng nhiều về thu nhập hơn 2 năm nay”, đại diện Viettel IDC cho biết.

Đại diện công ty cho biết thêm, đã gửi hàng chục công văn đến UBND TP Hà Nội, nhưng Hà Nội liên tục có công văn đề nghị công ty hỗ trợ. “Do dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã hỗ trợ thành phố chống dịch để đảm bảo an sinh xã hội. Sau đó, UBND TP Hà Nội họp và chốt trước 30/6 sẽ ký hợp đồng và thanh toán nợ cho Viettel. Đến nay, hạn 30/6 đã qua vẫn không có giải pháp. Chúng tôi buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ để giảm thiểu chi phí phát sinh thêm”, đại diện Viettel IDC nói.

Cũng theo đại diện Viettel IDC, nguyên nhân được phía Hà Nội đưa ra là do những vướng mắc trong cơ chế đấu thầu và việc thay đổi nhân sự của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội.

Theo lộ trình, phía Viettel IDC sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho UBND thành phố Hà Nội từ 0 giờ ngày 4/7. Dịch vụ sẽ được cung cấp trở lại khi Viettel IDC nhận được thanh toán công nợ đang tồn đọng.

Trong thời gian từ 30/6 đến hết ngày 3/7, công ty có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi ngừng dịch vụ, chủ động triển khai các phương án đảm bảo hệ thống hành chính công của thành phố không bị gián đoạn. Sau ngày 3/7, đơn vị sẽ không chịu trách nhiệm về dữ liệu của Hà Nội khi ngừng dịch vụ.

 Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội lý giải, việc chậm thanh toán với Viettel IDC vì vướng một số cơ chế chính sách đấu thầu, Sở TT&TT đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để có phương án tháo gỡ; tránh làm gián đoạn các thủ tục hành chính công trực tuyến.

Theo bà Hương, hiện phần lớn các thủ tục hành chính Hà Nội triển khai trên dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực giáo dục (2.444 trường) đang được triển khai rộng rãi. Sắp tới là những kỳ thi vào các cấp của học sinh, chính vì vậy việc dừng cổng dịch vụ công trực tuyến sẽ ảnh hưởng không nhỏ.

Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, thành phố đã yêu cầu các sở ngành phối hợp, khẩn trương tổ chức đấu thầu dịch vụ công trực tuyến của thành phố để thanh toán khoản nợ cho phía Viettel IDC. Trước đó, Viettel từng cắt server do chậm thanh toán kinh phí từ phía Hà Nội.

Hà Nội nói gì về việc nợ tiền Viettel IDC - Ảnh 2.

Viettel dọa cắt dịch vụ công: Vì sao Hà Nội khó trả nợ?

Sử dụng dịch vụ hơn 2 năm qua nhưng UBND TP Hà Nội chưa ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với Viettel cũng như chưa thanh toán số nợ lũy kế cước phí dịch vụ 200 tỷ đồng.

Trường Phong

Trường Phong

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.