|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội lên kịch bản cung ứng hàng hoá khi cả 30 quận, huyện đều có khu cách li

20:34 | 21/03/2020
Chia sẻ
Chiều ngày 21/3, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp về việc chuẩn bị hàng hóa ứng phó với dịch COVID-19 tại thành phố Hà Nội.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước và thành phố Hà Nội, số trường hợp ghi nhận nhiễm COVID-19 ngày càng tăng, với số lượng người cách ly lên tới hàng chục nghìn người do số lượng người bị lây nhiễm tăng mạnh và các du học sinh, người Việt sinh sống ở nước ngoài về nước.

Cùng với đó là nhu cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng sử dụng cao trong mùa dịch sẽ tiếp tục tăng do thời gian dịch bệnh kéo dài.


Tại cuộc họp, Sở Công Thương Hà Nội trình bày các phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố; trong đó, tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân và cho các địa phương có khu vực cách ly.


Cụ thể, Sở đã chỉ đạo các nhà cung cấp, các nhà sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retain (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300-500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.


Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày.


Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng 4 kịch bản trong mọi tình huống nếu xảy ra dịch bệnh cao nhất vẫn đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân ở khu vực bị cách ly.


Theo đó, kịch bản 1 có 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện với số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.


Kịch bản 2, có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. Hoạt động mua sắm vẫn diễn ra bình thường.


Kịch bản 3, trên địa bàn có từ 20 ca nhiễm bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2.000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày. 


Tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn đáp ứng đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại môt thời gian ngắn nhất định do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong thành phố.


Kịch bản 4, trên địa bàn có hơn 1.000 người nhiễm và 30 quận, huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly với số người trong khu cách ly lên đến 30 nghìn người và 382,5 nghìn người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, kho dự trữ hàng hóa trong thành phố đã cạn hàng cần phải huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành lân cận.


Các doanh nghiệp của Hà Nội cũng có ý kiến, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ tiếp cận được nguồn vốn vay ngắn hạn 3 tháng, trong khi lượng hàng hóa để dự trữ cho dịch cần dự trữ từ 3-6 tháng, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để dự trữ hàng hóa.


UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có các chính sách, kế hoạch giãn nợ cho các doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi về lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho các mặt hàng chịu tác động của dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa, nới lỏng các khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn cho các khoản vay...


Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách kiềm chế, giảm hoặc không tăng giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như điện, nước, xăng dầu... Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin các đầu mối cung ứng nhu yếu phẩm ở các tỉnh cho thành phố Hà Nội để kịp thời kết nối cung cấp hàng hóa cho người dân.

Nam Giang

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.