Hà Nội không xây hai Trung tâm thương mại Nghĩa Tân và Ngã Tư Sở như kế hoạch
Trong danh sách 16 dự án bị chấm dứt hoạt động do dừng triển khai, chậm triển khai mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội rà soát và công bố mới đây có tên dự án Xây dựng chợ, Văn phòng và Trung tâm thương mại Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận cầu Giấy do CTCP Thương mại cầu Giấy làm chủ đầu tư (CĐT).
Dự án Xây dựng chợ, Văn phòng và Trung tâm thương mại Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận cầu Giấy do CTCP Thương mại cầu Giấy làm CĐT. Ảnh: Kinh tế và Đô thị |
Theo thông tin từ báo chí, chợ Nghĩa Tân được xây dựng từ năm 1994, hoạt động từ năm 1996, ban đầu thuộc huyện Từ Liêm, đến năm 1997 được bàn giao về cho UBND quận Cầu Giấy, địa chỉ hiện tại ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Năm 2005, thành phố Hà Nội đã chấp thuận “Dự án xây dựng chợ - văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân”. Mãi đến đầu năm 2011, thành phố mới ra quyết định thu hồi đất giao cho CĐT là CTCP thương mại Cầu Giấy.
Tuy nhiên sau đó, do vấp phải sự phản đối của các tiểu thương tại chợ nên việc thực hiện dự án đã bị tạm dừng. Tiểu thương cho rằng, việc xây chợ khoảng 9 – 10 tầng như phương án của CĐT là không phù hợp, bởi theo quy định của Bộ Xây dựng, chợ Nghĩa Tân là chợ loại 2 nên chỉ được xây không quá 3 tầng.
Hơn nữa, chợ Nghĩa Tân được xây dựng theo hình thức huy động vốn, khi xây chợ, các tiểu thương cũng phải đóng góp 2,3 tỷ đồng, hơn nữa việc xây dựng tiến hành trên đất người dân đang kinh doanh ổn định nhưng không lấy ý kiến tiểu thương…
Đến ngày 14/1/2013, UBND thành phố đã ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án. Được biết, đây là một trong những dự án đã hoàn thành việc chấm dứt hoạt động mà không có vướng mắc gì cần xử lý.
Trong danh sách rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư còn có tên dự án Trung tâm thương mại, chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa do CTCP Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt Nam làm CĐT.
Dự án Trung tâm thương mại, chợ Ngã Tư Sở, quận Đống Đa do CTCP Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt Nam làm CĐT. Ảnh: Internet |
Chợ Ngã Tư Sở được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1987, có diện tích trên 8.000 m2 với 754 hộ kinh doanh cố định. Chợ gồm 4 nhà kho mái tôn chia làm 4 khu vực kinh doanh quần áo, công nghệ phẩm, giày dép và vải. Sau hơn 30 năm hoạt động, các dãy nhà mái lợp tôn đã xuống cấp, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh buôn bán của tiểu thương…
Năm 2009, thành phố có chủ trương đầu tư xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở nhưng quá trình thực hiện lại gặp một số vướng mắc như: ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hạn chế chiều cao công trình, phát sinh khiếu kiện của một số tiểu thương…
Đến năm 2014, thành phố đã có Quyết định thu hồi Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại – chợ Ngã Tư Sở của CTCP Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt Nam. Thành phố đã giao cho quận Đống Đa nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư theo mô hình chợ dân sinh và quận đã đề xuất phương án đầu tư xây dựng chợ Ngã Tư Sở có quy mô 3 tầng và 1 tầng hầm bằng nguồn vốn ngân sách. Năm 2017, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã cơ bản đồng ý với quy mô đầu tư xây dựng quận đề xuất.
Trước đó từ năm 2010, gần 800 ki ốt chợ tạm đã được xây dựng ven sông Tô Lịch, dọc đường Láng (thuộc quận Đống Đa) để làm nơi kinh doanh tạm của tiểu thương khi CĐT thực hiện dự án Trung tâm thương mại – chợ Ngã Tư Sở. Nhưng do dự án bị tạm dừng nên số ki ốt này hầu như bị bỏ trống, một số ki ốt được cho thuê để kinh doanh. Đến năm 2014, khoảng 400 ki ốt thuộc phường Ngã Tư Sở bị phá bỏ để làm dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Số ki ốt còn lại thuộc phường Láng Hạ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, vệ sinh, an toàn cháy nổ…