|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS. Nguyễn Mại: 'Cần có gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn'

15:46 | 22/12/2022
Chia sẻ
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, cho rằng cần phải có gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn trong điều kiện bội thu ngân sách và doanh nghiệp khát vốn.

Phát biểu tại Tọa đàm kinh tế 2023: "Kinh tế Việt Nam trước thách thức suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức sáng 22/12, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần phải có gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn trong bối cảnh bội thu ngân sách.

Theo số liệu ước tính của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 1.740.000 tỷ đồng, đặc biệt là bội thu ngân sách 252.000 tỷ đồng.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta có bội thu lớn vậy, đáng nhẽ nên có gói giải cứu doanh nghiệp sớm. Trong tháng 9, thu ngân sách thấy bội thu rồi, thì phải có gói giải cứu doanh nghiệp bởi không phải chỉ mình lĩnh vực bất động sản mà cả tiêu dùng, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp cũng rất khát vốn", GS. Nguyễn Mại đề xuất.

Phân tích thêm về những kết quả đạt được trong năm 2022, GS. Nguyễn Mại cho biết, năm 2022 là năm tăng trưởng cao nhất nhưng cao chủ yếu là do nền thấp của năm ngoái. Vì vậy, khó hy vọng có tăng trưởng cao hơn nữa vào năm 2023. 

Điểm quan trọng là công bố số liệu 11 tháng của Tổng cục Thống kê, có nhiều yếu tố tích cực, từ chỉ số sản xuất công nghiệp, cho đến nông nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký mới… Năm nay bình quân mỗi tháng có 17.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 720-730 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 23 thế giới về kim ngạch thương mại.

 GS. Nguyễn Mại (Ảnh: Báo Đầu tư).

Nhiều tín hiệu tích cực từ FDI 

GS. Nguyễn Mại đánh giá "lần đầu tiên chúng ta có chất lượng và hiệu quả thu hút FDI, dù vốn cam kết giảm 5%, thực hiện 21 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, số quan trọng nhưng chất lượng quan trọng hơn".

Việt Nam cũng đang là điểm đến của nhiều dự án FDI xanh, vừa rồi Tập đoàn Lego đã đầu tư vào Bình Dương 1 tỷ USD. Đây là nhà máy đầu tiên hoàn toàn tuần hoàn, dùng năng lượng tái tạo, pin mặt trời, nước thải sử dụng lại. Nhà máy này tạo 6.000 việc làm và 60.000 sản phẩm/năm.

Chủ tịch VAFIE cũng chia sẻ thêm về các điển hình kinh tế tuần hoàn như Hải Phòng có hai khu công nghiệp chuyển hẳn sang tuần hoàn, Nestlé chuyển hoàn toàn sang kinh tế tuần hoàn, góp phần vào cam kết với thế giới về phát thải bằng 0 vào 2050 của Việt Nam. 

Thứ hai là chuyển đổi số, GS. Nguyễn Mại dẫn chứng một bài báo của Pháp nói về Việt Nam với nội dung hãy tìm đến VIệt Nam để đầu tư vào gia công số và phần mềm.

"Họ nhấn mạnh Việt Nam đủ điều kiện để chuyển đổi số và hạ tầng. Tại TP.HCM, tập đoàn Intel đã có giấy phép đầu tư vào 1,2 tỷ USD làm chip bán dẫn nguồn, họ cho biết là đây là nhà máy thứ 3 (ngoài Scotland và Israel) của Intel trên toàn cầu và dự kiến vào 2030 cung cấp 20% chip bán dẫn cho thế giới", GS. Nguyễn Mại cho hay. 

Tương tự, Samsung đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, LG cũng rót thêm 1 tỷ USD. Vừa rồi rồi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Hàn Quốc, các tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD chủ yếu vào công nghệ cao, kinh tế số.

Đáng nói, ban quản lý khu công nghiệp của Hà Nội (HANSIP) cấp phép cho doanh nghiệp Nhật Bản tại việt Nam sản xuất linh kiện cho Boeing, linh kiện tàu thuỷ, Shinkansen họ bắt đầu xây dựng và phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lớn tại Việt Nam.

Hạ An