Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nhóm ngành nào sẽ được ưu đãi? điều kiện cấp tín dụng ra sao?
Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lấy ý kiến đã đưa ra một số vấn đề cụ thể về việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất trong chương trình phục hồi kinh tế.
10 nhóm ngành được hỗ trợ giảm lãi suất
Theo dự thảo, khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một số ngành (đã được đăng ký kinh doanh) bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm , Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin.
Bên cạnh đó, mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố cũng nằm trong nhóm được vay.
Dự thảo cũng đưa ra một số nguyên tắc hỗ trợ lãi suất như tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
Điều kiện để được hỗ trợ lãi suất 2%/năm
Theo dự thảo, việc hỗ trợ lãi suất thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và chấp thuận của NHTM tại thời điểm giải ngân khoản vay hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay.
Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng VNĐ, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định.
Khách hàng vay vốn có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất.
Đáng chú ý, khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khách hàng chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ trả nợ tiếp theo sau khi đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Thứ hai, khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không được giữ nguyên nhóm nợ không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Khách hàng chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất khi đã trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 3 tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 1 tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.
Ngân hàng được cấp bù lãi suất như thế nào?
Ngân sách nhà nước sẽ. thực hiện cấp bù lãi suất đối với ngân hàng thương mại đối với khoản giảm trừ lãi suất này.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước số tiền 40.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho Bộ Tài chính để thực hiện tạm cấp bù lãi suất, quyết toán cấp bù lãi suất cho các NHTM.
Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý của NHTM, Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp bù lãi suất với số tiền tạm cấp bằng 90% số tiền NHTM đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính chuyển quản lý bằng phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại để đảm bảo tổng số tiền hỗ trợ không vượt quá 40.000 tỷ đồng.