Giữ mục tiêu giảm nợ xấu
Lo ngại nợ xấu tăng
Theo NHNN, tính đến hết tháng 6/2016 nợ xấu ở mức 2,58%. Báo cáo tài chính quý II/2016 của nhiều NH cũng cho thấy xu hướng nợ xấu tăng. Quan ngại về nguy cơ nợ xấu tăng trở lại vì thế cũng xuất hiện.
Tuy nhiên, cần thấy rõ nợ xấu không phải là một hằng số. Tức là nợ xấu sẽ có biến động tăng hoặc giảm dù trong thâm tâm, ai cũng muốn tín dụng cần ra nền kinh tế nhiều hơn, trong khi con số nợ xấu phải đều đặn giảm đi. Ấy là lẽ tự nhiên nhưng đã là lẽ tự nhiên thì trong nhiều trường hợp, phải chấp nhận không thể cùng lúc thỏa mãn được tất cả những mong muốn đôi khi “nghịch lý” như vậy. Vấn đề là làm sao biến động ấy ở mức hợp lý và chấp nhận được.
Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 đã giảm xuống chỉ còn 2,58%. Dù cũng có thể tháng tới đây, tỷ lệ nợ xấu lại có thể tăng lên. Do đó, nếu không bình tĩnh xem xét thì những con số cứ biến động, dễ gây lo ngại. Tuy nhiên, quan trọng hơn là thông tin về tình hình thị trường tiền tệ, trong đó có số liệu về nợ xấu được cung cấp đều đặn, thường xuyên và có thể nói là bước tiến thực sự so với vài năm trước đây. Đấy là nỗ lực cần ghi nhận đối với cơ quan quản lý.
Một lý do khiến nợ xấu tăng là việc VAMC từ đầu năm nay thay vì tập trung “gom” nợ xấu về như trước thì đang ưu tiên hơn cho việc XLNX đã mua về. Đây là chủ trương và kế hoạch đã được ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC thông tin với Thời báo Ngân hàng ngay từ đầu năm nay.
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu (cao hơn nhiều so với con số 5.000 tỷ đồng của năm 2014 và 12.000 tỷ đồng năm 2015). Với tốc độ thu hồi nợ xấu thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc VAMC tin rằng cơ quan này có thể vượt chỉ tiêu thu hồi nợ xấu đặt ra cho năm nay là 30.000 tỷ đồng, qua đó cũng góp phần giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.
Theo các chuyên gia, nợ xấu tăng thời gian qua cũng một phần do các khoản nợ được cơ cấu lại trước đây chuyển nhóm nợ. Như lý giải của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Quyết định 780/QĐ-NHNN năm 2012 của NHNN cho phép các TCTD được cơ cấu lại nợ (mà không phải chuyển nhóm). Như vậy, có một lượng dư nợ đáng lẽ đã là nợ xấu nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 780, và đến thời gian vừa qua khi hết thời hạn cơ cấu lại thì đã được ghi nhận chuyển nhóm.
Ngoài các nguyên nhân trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng còn một yếu tố nữa là do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn khi sáu tháng đầu năm, tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Quan trọng là giữ được mục tiêu đã định
Theo TS. Lực, một trong những điểm đáng lưu tâm là đến khi tất cả các khoản nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 phải chuyển nhóm thì nợ xấu sẽ tăng. Bên cạnh đó, việc XLNX cũ vẫn còn chậm dù đã có một số tháo gỡ.
Nguyên nhân chủ yếu là vì các vướng mắc về pháp lý như vấn đề tăng quyền năng của VAMC, những hướng dẫn cụ thể về định giá nợ để nợ xấu được mua bán theo thị trường, cơ chế xử lý trong trường hợp lỗ khi bán nợ xấu ra hay sự vào cuộc chưa quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng. Đây cũng chính là những vấn đề cần tháo gỡ để giải quyết được nợ xấu trong thời gian tới.
Thực tế thời gian qua, NHNN luôn quan tâm đến vấn đề XLNX, theo đó đã thường xuyên chỉ đạo đối với hệ thống để giữ vững mục tiêu và nỗ lực giảm dần nợ xấu xuống. Để tránh phát sinh nợ xấu mới, NHNN đã chỉ đạo nắn dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, ít rủi ro hơn. Các NH, đặc biệt là các NH được lựa chọn thí điểm theo Basel II cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro.
Như Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng gần đây khẳng định, XLNX là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của NHNN trong 6 tháng cuối năm. “NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% có kế hoạch báo cáo về NHNN. Chúng tôi chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch XLNX năm 2016. Thống đốc cũng đã có chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng phải đi đôi với chất lượng, tránh nợ xấu phát sinh”, Phó thống đốc nói tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/8.
Ai đó có thể lo ngại vì nợ xấu có dấu hiệu tăng lên. Ai đó cũng có thể băn khoăn vì sao tín dụng không thể ra nền kinh tế một cách mạnh hơn, hỗ trợ cho DN nhiều hơn và ai đó cũng có thể phân vân dòng tiền sẽ khó chảy vào kênh tiết kiệm nếu lãi suất thấp hơn nữa…
Mỗi chủ thể chủ quan sẽ có những kiến giải hợp lý cho những lo ngại của mình. Nhưng đúng như một chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã từng nói: “Người đi vay thì muốn đi vay thật rẻ, bên cho vay thì muốn lãi suất phải đủ hấp dẫn mới cho vay. Nhưng vấn đề là mọi mong muốn phải được đặt trên nền kinh tế vĩ mô của đất nước. Nếu tách ra khỏi nền tảng đó thì tất cả mong muốn là chủ quan”.
Và hơn hết, Chính phủ, đặc biệt ở đây là NHNN sẽ phải gánh vai trò lớn để dung hòa tất cả những lo ngại dường như mâu thuẫn trên vì sự ổn định, tăng trưởng và phát triển chung bền vững của nền kinh tế. Do đó, nếu xem mục tiêu nợ xấu dưới 3% là “dĩ bất biến” thì hệ thống các NH, trong quá trình dẫn vốn cho nền kinh tế có thể phải ghi nhận những biến động lên - xuống của nợ xấu trong giới hạn này và cũng nên xem đó là những “ứng vạn biến” chấp nhận được.
Theo Đỗ Lê Thời báo Ngân hàng