Giới xuất khẩu thịt trâu Ấn Độ khốn đốn khi Trung Quốc trấn áp hoạt động nhập khẩu thịt trái phép
Bắc Kinh đã thông qua chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn do sự bùng phát của dịch tả lợn Châu Phi, có nghĩa là con đường Ấn Độ xuất khẩu thịt trâu sang Trung Quốc qua biên giới Việt Nam đã bị chặn đứng.
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang hi vọng rằng kim ngạch xuất khẩu thịt tại thị trường Indonesia có thể tăng hơn 3 lần để bù đắp cho thiệt hại nặng nề vào năm nay, theo South China Morning Post.
Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát cửa khẩu đã giáng đòn mạnh vào ngành thương mại thịt nhập lậu tại chợ đen với giá trị ước tính khoảng 2 tỉ USD mỗi năm.
Ấn Độ không thể trực tiếp bán thịt trâu cho Trung Quốc bởi lệnh cấm ban hành tại Bắc Kinh năm 2001 sau khi bùng phát dịch chân-tay-miệng.
Một cửa hàng bán thịt ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất, đã đẩy mạnh nhập khẩu thịt bò và các loại thịt khác vì người tiêu dùng đang tìm kiếm nguồn thịt thay thế sau khi dịch tả lợn Châu Phi nguy hiểm đlàm chết tới một triệu con lợn.
Lượng thịt trâu và nội tạng Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc qua Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Hong Kong trong năm nay tính đến tháng 10 giảm khoảng 23% hàng năm xuống còn 14.645 container, theo dữ liệu mà Hiệp hội Nhập khẩu Thịt và Gia súc Ấn Độ công bố.
Số liệu của chính phủ cho thấy lượng xuất khẩu sang Việt Nam, khách hàng lớn nhất của Ấn Độ, đã giảm 34% xuống còn 202.873 tấn trong vòng sáu tháng tính đến tháng 9.
Phó chủ tịch Hiệp hội, ông Fauzan Alavi, nói: "Các nhà xuất khẩu muốn đẩy mạnh doanh số tại Indonesia lên 300.000 tấn một năm so với 80.000 tấn hiện nay.
Hiệp hội đang hối thúc chính phủ Ấn Độ đàm phán với Indonesia để tăng hạn ngạch nhập khẩu. Ngoài ra Hiệp hội đang mong đợi một kết quả tích cực trong thời gian không xa. Ấn Độ cũng yêu cầu Trung Quốc bỏ lệnh cấm nhập khẩu.
Hiệp hội cũng đang kêu gọi chính phủ Ấn Độ để giảm thuế xuất khẩu đối với da sống để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ông Fauzan Alavi – giám đốc của công ty xuất khẩu thịt trâu lớn nhất Ấn Độ – nói rằng các lò mổ đang phải vật lộn để bán da sống dù thuế xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống 40% vào thàng 7 so với 60% trước đây. Australia, Mỹ và Canada đánh thuế xuất khẩu bằng không, trong khi Brazil đánh thuế 9%.
"Giảm thuế là điều cốt yếu đối với sự sống còn của ngành công nghiệp thực phẩm trong thời điểm hầu hết các xưởng da thuộc ngừng hoạt động và vài xưởng đang làm việc với năng suất thấp. Ngay cả khi Trung Quốc cần thời gian để cho phép nhập khẩu trở lại từ Ấn Độ, doanh số tăng cao tại Indonesia và chính sách cắt giảm thuế xuất khẩu đánh vào da sống vẫn giúp chúng tôi tồn tại", ông nói.