Giới chuyên gia cảnh báo Eurozone đang đứng trước nguy cơ giảm phát
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trước nguy cơ giảm phát sau khi ghi nhận tỷ lệ lạm phát 0,1% trong tháng 5/2020, mức thấp nhất trong 4 năm qua, một phần giá năng lượng giảm và nhu cầu nội địa đi xuống.
Lạm phát cơ bản (không tính giá năng lượng và thực phẩm) của Eurozone trong tháng 5/2020 ổn định ở mức 0,9% trong tháng 5/2020, song các nhà kinh tế cảnh báo sức ép đối với giá cả ở khu vực này sẽ tiếp tục tăng.
Lạm phát ở Eurozone giảm trong 4 tháng liên tiếp sẽ làm tăng sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc ngăn chặn khu vực này rơi vào tình trạng giảm phát, vốn sẽ đem lại các hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng liên quan tới nợ, việc làm và mức sống của người dân.
Giới kinh tế dự báo giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục giảm trên toàn Eurozone trong năm 2020 cho dù các nhà hoạch định chính sách của khu vực này nỗ lực đưa ra những gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Chuyên gia kinh tế Bert Colijn của công ty tài chính ING nhận định, ECB có thể phải sẵn sàng ứng phó khủng hoảng do giảm phát trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhà kinh tế Jessica Hinds của trung tâm nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng sức ép giảm phát ở Eurozone vẫn có thể còn tăng lên. Theo nhà kinh tế này, tỷ lệ lạm phát cơ bảnsẽ không thể duy trì trong thời gian dài khi nhu cầu sụt giảm, sau đó là sự hồi phục kinh tế chậm cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Theo dự đoán của các nhà kinh tế, ECB có thể sẽ công bố tăng quy mô chương trình mua trái phiếu của cơ quan này thêm 500 tỷ euro (tương đương 555,24 tỷ USD) ngay trong tuần tới khi đang nỗ lực ứng phó các hậu quả kinh tế của dịch COVID-19.