|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giao dịch mua bán lại trái phiếu có hợp đồng khung: Giảm rủi ro, tăng minh bạch

15:29 | 13/03/2019
Chia sẻ
Việc áp dụng một mẫu hợp đồng khung cho giao dịch mua bán lại (repo) trái phiếu được kì vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian đàm phán, giảm thiểu rủi ro, tăng minh bạch và thúc đẩy thanh khoản của hoạt động repo trái phiếu tại Việt Nam.

Theo tin từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), hôm qua 12/3 tại Hà Nội, VBMA đã tổ chức Hội nghị thường niên năm 2018 với sự tham dự của trên 160 đại biểu đại diện cho 69 hội viên của Hiệp hội và đại diện khách mời từ các cơ quan quản lí nhà nước, đối tác trong và ngoài nước, …

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Chủ tịch VBMA đã nêu bật các các kết quả đạt được của thị trường trái phiếu trong năm 2018 và khẳng định một trong những trọng tâm hoạt động của VBMA trong năm 2019 sẽ là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tại hội nghị, VBMA đã chính thức công bố hợp đồng khung cho các giao dịch mua bán lại (repo) trái phiếu tại thị trường Việt Nam, gọi tắt là VBMA MRA. Mẫu hợp đồng của VBMA được soạn thảo với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dựa trên mẫu hợp đồng mua bán lại quốc tế rất thông dụng được Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) công bố năm 2011, hay còn gọi là 2011 Global Master Repurchase Agreement - GMRA.

Giao dịch mua bán lại trái phiếu có hợp đồng khung: Giảm rủi ro, tăng minh bạch - Ảnh 1.

Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VBMA.

Khác với GMRA vốn được sử dụng cho các giao dịch mua bán lại (repo) quốc tế, mẫu VBMA MRA được soạn thảo nhằm áp dụng cho các giao dịch repo công cụ nợ trong nước giữa các tổ chức tín dụng và định chế tài chính khác tại Việt Nam. Do đó mẫu VBMA MRA đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và tập quán thị trường trong nước.

Trước khi có một mẫu hợp đồng khung chuẩn, các ngân hàng và định chế tài chính sử dụng các mẫu hợp đồng rất khác nhau khiến quá trình đàm phán thống nhất giao dịch và xử lý các thủ tục liên quan tốn rất nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng không tốt tới hoạt động giao dịch repo trái phiếu.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch VBMA đánh giá "Việc áp dụng một mẫu hợp đồng chuẩn sẽ giảm thiểu thời gian đàm phán hợp đồng giao dịch, hạn chế rủi ro, tăng sự minh bạch, công bằng, chuyên nghiệp trong hoạt động giao dịch mua bán lại trái phiếu giữa các thành viên và từ đó góp phần rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, giảm chi phí giao dịch, thu hút các nhà đầu tư mới dễ dàng tham gia thị trường hơn. 

Chúng tôi kì vọng hợp đồng khung này sẽ góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường repo, tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu Việt Nam trong thời gian tới"

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA nhận định: Việc có tới 17 định chế tài chính kí thỏa thuận áp dụng mẫu hợp đồng VBMA MRA sẽ giúp hoạt động giao dịch repo của Việt Nam tiệm cận với tập quán thị trường repo quốc tế.

Cụ thể, 18 thành viên của VBMA kí cam kết áp dụng mẫu hợp đồng khung chuẩn cho giao dịch repo bao gồm:

Giao dịch mua bán lại trái phiếu có hợp đồng khung: Giảm rủi ro, tăng minh bạch - Ảnh 2.

Đại diện 18 tổ chức thành viên của VBMA kí biên bản ghi nhớ về việc áp dụng hợp đồng khung chuẩn cho giao dịch repo trái phiếu. Ảnh: VBMA.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank),

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV),

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank),

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank),

 Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank),

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank),

Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC),

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB),

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank),

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank),

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB),

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank),

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank),

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank),

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank),

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)

và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Techcombank và MSB Techcombank và MSB 'ẵm' hai giải thưởng cho nhà tạo lập thị trường trái phiếu

Đức Quyền