|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng

06:59 | 07/07/2020
Chia sẻ
Ngày 6/7, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp báo về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan.

Tổng cục Hải quan cho biết, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (bao gồm các sắc thuế: thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5 – 285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng - Ảnh 1.

Họp báo về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan. Ảnh: Thùy Dương/Bnews/TTXVN

Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.

Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Từ kết quả kiểm tra, xác minh thấy nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn theo quy định.

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, thì các doanh nghiệp đã sử dụng một số phương thức gian lận phổ biến như giai đoạn đầu chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác).

Các doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm tra cho thấy ngành hải quan đã xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ; thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm.

Đồng thời, thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, đã tiến hành xác minh 30 doanh nghiệp thuộc các nhóm hàng giầy dép, ắc quy, linh kiện điện tử, gỗ, gỗ ván sàn.

Các nhóm hàng này được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu đã đáp ứng điều kiện chuyển đổi mã số nên không đủ cơ sở xác định có gian lận xuất xứ.

Đối với mặt hàng thủy sản phát hiện 2 doanh nghiệp thủy sản có hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Các công ty này chỉ sản xuất, gia công công đoạn chế biến đơn giản mang tính giết mổ. Căn cứ Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 đây thuộc công đoạn gia công, chế biến đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn phát hiện 1 doanh nghiệp không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn tự phát hành C/O cho nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) – Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự.

Tổng cục Hải quan xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Từ kết quả triển khai giai đoạn 1, Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch định hướng giai đoạn 2 để mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều doanh nghiệp khác.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, bước đầu đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước, đặc biệt là Mỹ, để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước.

Bên cạnh đó, cơ bản kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác tránh ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.

Đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, kết quả kiểm tra xử lý đã lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, cảnh báo, phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp để ngăn chặn các hành vi vi phạm; cộng đồng doanh nghiệp được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, doanh nghiệp đã chủ động khắc phục, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng hàm lượng xuất xứ Việt Nam.

Tổng cục hải quan đề xuất, cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công do chủ thể của hàng hóa (đơn vị thuê gia công) thường ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về tự chứng nhận xuất Nghiên cứu, quy định cụ thể về phương pháp xác định xuất xứ, hành vi vi phạm tự chứng nhận xuất xứ để đảm bảo tính khả thi trong xử phạt và phòng ngừa gian lận. 

Ví dụ như doanh nghiệp chỉ xin giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho một số lô hàng ban đầu và khi làm thủ tục hải quan khai báo hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, sau đó không xin C/O nữa nhưng khi làm thủ tục hải quan vẫn khai báo hàng hóa xuất xứ Việt Nam, trên bao bì ghi Made in Viet nam, khi cơ quan Hải quan kiểm tra các lô hàng này phát hiện vi phạm về xuất xứ.

Thùy Dương